Chú thích về thứ bậc 52 quả vị Bồ Tát

Chú thích về thứ bậc 52 quả vị Bồ Tát

Gồm có: Thập tín - Thập  trụ - Thập hạnh - Thập hồi hướng - Thập địa.

1) THẬP TÍN:
Gọi đủ là thập tín tâm, gọi tắt là thập tâm.
Mười tâm mà 10 giai vị đầu tiên trong 52 giai vị Bồ tát tu hành; 10 tâm này thuộc về tín vị, có công năng giúp cho hành giả thành tựu tín hạnh.
1. Tín tâm: Nhất tâm quyết định, mong muốn thành tựu.
2. Niệm tâm: Thường tu niệm Phật, Pháp, Tăng, giới , thí và thiên.
3. Tinh tấn tâm: Nghe Bồ tát tạng, siêng năng tu tập thiện nghiệp không gián đoạn.
4. Định tâm: Tâm an trụ vào sự vào nghĩa, xa lìa tất cả hư ngụy, phù phiếm và nhớ tưởng phân biệt.
5. Huệ tâm: Nghe Bồ tát tạng, tư duy quán sát, rõ biết tất cả pháp vô ngã vô nhân, tự tánh không tịch.
6. Giới tâm: Thọ trì luật nghi thanh tịnh của Bồ tát, thân, khẩu, ý thanh tịnh, không phạm các lỗi, nếu có phạm thì sám hối trừ diệt.
7. Hồi hướng tâm: Hồi hướng các thiện căn đã tu được về Bồ-đề, không nguyện sanh vào các Hữu; hồi thí cho chúng sanh, không vì riêng mình; hồi hướng cầu chứng được thực tế, không đắm trước danh tướng.
8. Hộ pháp tâm: Phòng hộ tâm mình, không khởi phiền não, lại tu 5 hạnh: mặc hộ, niệm hộ, trí hộ, tức tâm hộ và tha hộ.
9. Xả tâm: không tiếc thân mạng, tài sản, những gì có được đều buông xả.
10. Nguyện tâm: Lúc nào cũng tu tập các nguyện thanh tịnh.

2) THẬP TRỤ:
Còn gọi là thập địa trụ, thập pháp trụ, thập giải. Mười trụ trong quá trình tu hành của Bồ tát, tức từ giai vị 11 đến 20 trong 52 giai vị Bồ tát. Đó là:
1. Sơ Phát Tâm Trụ: hàng thượng tiến phần thiện căn dùng chân phương tiện phát khởi tâm thập tín, tin thờ Tam bảo, thọ trì tu tập tất cả hạnh, tất cả pháp môn, thường khởi tín tâm, không sanh tà kiến, thường gặp Phật pháp, học rộng, nhiều trí tuệ, thường cầu phương tiện, mới nhập không giới, trụ trong giai vị không tánh; đồng thời dùng không lý, trí tâm để tu tập giáo pháp trong tâm sanh ra tất cả công đức.
2. Trị địa trụ: nghĩa là thường tùy theo tâm không, tâm trong sáng, giống như từ lưu ly hiện ra vàng ròng; vì lấy việc tu tập diệu tâm mới phát làm Địa nên gọi là Trị Địa Trụ.
3. Tu Hành Trụ: trí tuệ của Phát Tâm Trụ và Trị Địa Trụ ở trước đều đã sáng tỏ, cho nên dạo khắp 10 phương mà không chướng ngại.
4. Sanh Quý Trụ: nhờ diệu hạnh ở trước khế hợp với diệu lý, nên sanh vào nhà Phật làm Pháp vương tử; tức hạnh đồng với Phật, thọ khí phần của Phật, vào chủng tánh Như Lai, như thân trung ấm tự tìm cha mẹ, cả 2 thầm thông đạt.
5. Phương Tiện Cụ Túc Trụ: Nghĩa là tu tập vô lượng thiện căn, tự lợi lợi tha, phương tiện đầy đủ, tướng mạo không thiếu.
6. Chánh Tâm Trụ: Nghĩa là thành tựu Đệ lục Bát-nhã, cho nên chẳng phải chỉ có tướng mạo mà tâm cũng đồng với Phật.
7. Bất thoái trụ: nghĩa là đã nhập vào cảnh giới vô sanh tất cánh không thì tâm thường thực hành không, vô tướng, vô nguyện, thân tâm hòa hợp, mỗi ngày một tăng trưởng.
8. Đồng Chân Trụ: Từ khi phát tâm trở đi trước sau không lui sụt, không khởi tà ma phá hoại tâm Bồ-đề, đến đây thì 10 thân linh tướng của Phật đồng một lúc đầy đủ.
9. Pháp Vương Tử Trụ: Bồ tát tướng mạo đã đầy đủ, liền xuất thai, giống như trừ trong giáo pháp của Phật Vương sanh hiểu biết mới nối tiếp được ngôi vị Phật.
10. Quán Đảnh Trụ: Bồ tát đã là Phật tử, làm được Phật sự, cho nên Phật dùng nước trí quán đảnh cho vị ấy. Vị Bồ tát Quán Đảnh Trụ này sẽ có 3 biệt tướng:
- Độ chúng sanh.
- Được cảnh giới sở nhập thâm sâu.
- Rộng học đủ trí tuệ.

3) THẬP HẠNH:
Còn gọi là thập hạnh tâm. Chỉ cho 10 hạnh lợi tha mà hàng Bồ tát từ giai vị thứ 21 đến giai vị thứ 30 phải tu. Đó là:
1. Hoan hỷ hạnh: Bồ tát dùng vô lượng diệu đức của Như Lai để tùy thuận 10 phương.
2. Nhiêu ích hạnh: Làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
3. Vô sân hận hạnh: Tu nhẫn nhục, lìa sân hận, khiêm hạ cung kính, không hại tự tha, nhẫn nhục đối với kẻ gây oán.
4. Vô tận hạnh: Bồ tát thực hành đại tinh tấn, phát tâm cứu độ tất cả chúng sanh, đến đại Niết bàn, không lười biếng, xao lãng.
5. Ly si loạn hạnh: Thường trụ nơi chánh niệm không tán loạn, đối với tất cả pháp không si loạn.
6. Thiện hiện hạnh: Biết không có pháp, 3 nghiệp vắng lặng, không trói buộc, không đắm trước, cũng không bỏ việc giáo hóa chúng sanh.
7. Vô trước hạnh: Trãi qua các cõi nhiều như số hạt bụi cúng Phật cầu pháp mà tâm không nhàm chán, vì vắng lặng quán sát các pháp, cho nên không đắm trước đối với tất cả.
8. Tôn trọng hạnh: Tôn quí tu tập các pháp như thiện căn, trí huệ…, nên thảy đều thành tựu, nhờ đó càng tiến tu hạnh tự lợi và lợi tha.
9. Thiện pháp hạnh: Được các pháp như Tứ vô ngại, đà-la-ni môn…, thành tựu các thiện pháp giáo hóa, giữ gìn chánh pháp, không làm dứt tuyệt hạt giống Phật.
10. Chân thật hạnh: Thành tựu ngôn ngữ Đệ nhứt nghĩa đế, lời nói đi đôi với việc làm, sắc tâm đều thuận.

4) THẬP HỒI HƯỚNG:
Còn gọi là Thập Hồi hướng tâm. Gọi tắt Thập Hướng. Tức 10 giai vị từ giai vị thứ 31 đến 40 trong 52 giai vị tu hành của Bồ tát. Đó là:
1. Cứu Hộ Nhứt Thiết chúng sanh Ly chúng sanh Tướng Hồi hướng: giai vị thực hành Lục độ, tứ nhiếp, cứu hộ tất cả chúng sanh, oán thân bình đẳng.
2. Bất Hoại Hồi Hướng: Giai vị có niềm tin bất hoại đối với Tam bảo, hồi hướng căn lành này khiến cho chúng sanh được lợi ích tốt đẹp.
3. Đẳng Nhất Thiết Phật Hồi Hướng: Đồng với sự hồi hướng của chư Phật 3 đời, tu hành không đắm sanh tử, không lìa Bồ-đề.
4. Chí Nhất Thiết Xứ Hồi Hướng: Hồi hướng thiện căn  tu được đến khắp mọi nơi, từ Tam bảo cho đến chúng sanh, để cúng dường làm lợi ích.
5. Vô Tận Công Đức Tạng Hồi Hướng: Tùy hỷ tất cả vô tận thiện căn, hồi hướng làm Phật sự, để được vô tận công đức thiện căn.
6. Tùy Thuận Bình Đẳng Thiện Căn Hồi Hướng: Hồi hướng thiện căn đã tu, được Phật che chở, thành tựu tất cả thiện căn kiên cố.
7. Tùy Thuận Đẳng Quán Nhất Thiết chúng sanh Hồi Hướng: Tăng trưởng tất cả thiện căn, hồi hướng làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
8. Như Tướng Hồi Hướng: Thuận theo tướng chân như mà hồi hướng thiện căn đã thành tựu.
9. Vô Phược Trước Giải Thoát Hồi Hướng: Đối với tất cả pháp không chấp trước, dính mắc, được tâm giải thoát, hồi hướng thiện pháp, thực hành hạnh Phổ Hiền, đầy đủ tất cả công đức.
10. Pháp Giới Vô Lượng Hồi Hướng: Tu tập tất cả vô tận thiện căn, hồi hướng các thiện căn này nguyện cầu vô lượng công đức trong pháp giới sai biệt.
Hồi hướng nghĩa là dùng tâm đại bi cứu độ tất cả chúng sanh.                           

5) THẬP ĐỊA: 
Thập địa Theo kinh Hoa Nghiêm gồm có:
1. Hoan Hỷ Địa: Là giai vị mới thành bậc thánh, liền sanh tâm rất hoan hỷ.
2. Ly Cấu Địa: Là giác vị lìa bỏ tâm sai lầm, phá giới, phiền não cấu.
3. Minh Địa: Giác vị nhờ thiền định mà được ánh sáng trí huệ tu tam huệ Văn, Tư, Tu, khiến cho chân lý dần dần sáng tỏ.
4. Diệm Địa: Là giai vị đã lìa bỏ kiến giải phân biệt của 3 Địa trước, dùng lửa trí tuệ thiêu đốt củi phiền não, nhờ đó mà ngộ được bản thể trí tuệ.
5. Nan Thắng Địa: Giác vị đã được chánh trí khó có thể siêu xuất được nữa. Giác vị đã được trí xuất thế gian, nương vào phương tiện mà cứu độ các chúng sanh khó cứu độ.
6. Hiện Tiền Địa: Giác vị nghe Bát-nhã Ba-la-mật, hiện tiền sanh khởi đại trí.
7. Viễn Hành Địa: Là giác vị tu hạnh vô tướng, tâm tác dụng xa lìa thế gian, bị vướng vào Thất địa trầm không. Lúc bấy giờ chư Phật trong mười phương dùng 7 pháp khuyến khích tinh tấn, kích khởi dũng khí tu hành để tiến lên bát địa, gọi là Thất khuyến.
8. Bất Động Địa: Là giác vị không ngừng sanh khởi trí tuệ vô tướng, tuyệt đối không bị phiền não làm lay động.
9. Thiện Huệ Địa: Bồ tát dùng năng lực vô ngại để thuyết pháp, hoàn thành hạnh lợi tha, là giác vị mà tác dụng trí tuệ được tự tại.
10. Pháp Vân Địa: Là giác vị được đại pháp thân, có năng lực tự tại.

6) DIỆU GIÁC:
Giai vị cuối cùng trong quá trình tu hành của Bồ tát Đại thừa, đã trừ sạch vô minh chứng được trí tuệ không thể nghĩa bàn.

7) ĐẲNG GIÁC:
Còn gọi là Đẳng chánh giác, tôn hiệu của chư Phật, chỉ cho sự giác ngộ bình đẳng chân chánh, tức giác ngộ chân lý hoàn toàn.

Giai vị cùng tột của Hành giả tu hạnh Bồ tát sau khi trãi qua 3 a tăng kỳ kiếp. Hàng Bồ tát biệt giáo đoạn 11 phần vô minh, trí tuệ và công đức của Ngài gần giống Diệu giác.
 

Bài viết liên quan