LỜI NÓI ĐẦU
Tập tài liệu nhỏ này là đề tài Thầy giảng trong khóa tu hàng tháng. Trong khóa trước Thầy đã trình bày về NGỘ TRI KIẾN PHẬT và chúng ta cũng đã nhận thức được thế nào là NGỘ, NGỘ rồi chúng ta phải thực hành. Từ chỗ thực hành cái sở NGỘ đó chúng ta mới NHẬP được TRI KIẾN PHẬT.
Và trong bài giảng của khóa tu tháng này chúng ta sẽ hiểu thế nào là NHẬP TRI KIẾN PHẬT và hiểu về từng giai vị mà một Hành giả phải trãi qua trước khi thành tựu quả vị Phật. Từ chỗ đó chúng ta nhìn lại xem mình đang ở giai vị nào, nhìn lại không phải để tự ti mặc cảm mà để thấy rằng muốn thành tựu quả vị Phật chúng ta phải không ngừng tiến tu, không ngừng lập công hạnh tự lợi lợi tha mà chư vị Bồ tát đã và đang trãi qua. Hành giả muốn thành Phật thì phải noi gương theo đức Phật, noi gương chư vị Bồ tát, chư vị Tổ sư thực hành đạo lý, rồi chúng ta cũng sẽ được NHẬP vào TRI KIẾN PHẬT.
Thầy chúng ta luôn mong muốn quý Hành giả thể nhập phần nào TRI KIẾN PHẬT, đạo tâm không ngừng tăng trưởng, không ngừng lập công hạnh, không ngừng tiến tu nhằm đem lại lợi ích cho mình cho người, tất cả đều đồng hướng về quả vị Vô thượng Bồ đề.
I. DẪN NHẬP
Chúng ta đã trãi qua ba giai đoạn KHAI THỊ NGỘ trước rồi bây giờ đến giai đoạn quan trọng là NHẬP TRI KIẾN PHẬT. Hai phần KHAI THỊ là quan sát thế giới hiện tượng sanh diệt tâm và pháp để biết được cái nào vọng cái nào chơn. Đến NGỘ là đã lìa thế giới hiện tượng phân biệt để nhận cái chân thật, và khi chúng ta sống được với cái chân thật để phát huy cho viên mãn thì gọi là nhập.
Theo thể thức học Phật thì phải trãi qua bốn giai đoạn VĂN, TƯ, TU, CHỨNG ta so sánh tương đồng để dễ hiểu. Văn tức là khai – Bấy lâu nay tâm mình mê muội không hiểu gì cả, nay nghe được đạo lý thấy tâm mình sáng ra. Tư tức là thị vậy – Khi nghe được đạo lý tâm sáng ra liền suy nghĩ biết được các pháp thiện ác sanh diệt, nhưng trong sanh diệt đó có cái thật không sanh diệt. Tu tức là ngộ vậy – Khi biết mình có cái không sanh diệt mà lâu nay mình bỏ quên nay trở về với nó. CHỨNG tức đồng nghĩa với NHẬP vậy. Con đường trở về tánh giác biết bao lớp tập nghiệp phủ che nên phải đem định lực để hàng phục hóa giải, từng bước đi đến gần nơi bảo sở tức là nhập vậy.
Tuy rằng chia thành bốn giai đoạn khai thị ngộ nhập cao thấp khác nhau. Nhưng thật, đều dung thông lại một – Vì không KHAI THỊ thì làm sao có NGỘ NHẬP, càng NGỘ NHẬP sâu thì càng nhận ra KHAI THỊ tinh tế hơn. Cũng như toán học không nắm phương thức thì làm sao giải ra đáp số. Nhưng khi giải được đáp số rồi, thì nhuần nhuyễn nắm phương thức thêm không còn nhầm lẫn nữa.
Hôm nay chúng ta học về NHẬP TRI KIẾN PHẬT tức chúng ta nhận ra cách sống hợp với chư Phật cũng gọi là chứng đạo vậy.
II. NHẬP TRI KIẾN PHẬT
TRI KIẾN PHẬT là vượt qua ngoài hiện tượng đối đãi thời gian và không gian, không trụ nơi tâm cũng chẳng trụ nơi pháp. Nhưng chứng nhập vào đạo thì Tri Kiến Phật thì có cạn có sâu, có quả tự lợi có qủa lợi tha. Cho nên khi tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn mới thể nhập trọn vẹn Tri kiến phật liền đồng thể với chư Phật.
Hôm nay qua bài học, quý vị xem xét mình đã nhập được phần nào vào phần TRI KIẾN PHẬT chưa ?.
A. PHẦN TỰ LỢI:
+ THẬP TÍN:
1) Khi hành giả phát tâm tu tập thì phải giữ vững niềm tin kiên cố, tu học cho đến ngày thành tựu quả vị Phật. Phải tin rằng tức tâm tức Phật, ngoài tâm không có Phật. Có niềm tin kiên cố như vậy thì nhập được qủa vị Tín Tâm hợp với tri kiến Phật.
2) Phật tử quy y rồi thì phải luôn nghĩ đến Phật Pháp Tăng, nghĩ đến Phật không nương tựa thiên thành quỷ vật. Nghĩ đến Pháp nên không theo ngoại đạo, tà giáo. Nghĩ đến Tăng không theo Thầy tà, bạn dữ. Nhờ vậy tâm an ổn và thăng tiến đạo nghiệp, vị nào đạt được thì gọi là nhập vào giai vị niệm tâm, hợp với Tri Kiến Phật.
3) Khi nhập vào tín tâm, niệm tâm rồi thì Hành giả phải tinh tấn tu tập thiện pháp, mỗi ngày pháp lành mỗi tăng trưởng không gián đoạn, được vậy là Hành giả đạt được tinh tấn tâm hợp với Tri Kiến Phật.
4) Nỗ lực tinh tấn nhưng phải an trú tâm trong thiện pháp, phải xa lìa tất cả hư nguỵ, phải biết rằng các pháp do duyên sinh diệt không để tâm chạy theo viễn vong, không chân thật, cũng không đem tâm nhớ tưởng phân biệt. Hành giả đạt được đây thì gọi là quả Định tâm hợp với Tri Kiến Phật (lưu ý đây là quả vị định tâm đầu tiên, chứ không phải chánh định).
5) Chuyên học sâu giáo pháp, thường tư duy quán sát thấy được các pháp vô ngã, vô nhơn, tự tánh vốn không tịch. Thấy được vậy, nên tâm không vướng mắc trong thiện, ác, cũng không lay động về mất được. Hành giả đạt được như vậy thì gọi là chứng quả huệ tâm, hợp với Tri Kiến Phật.
6) Hành giả phát nguyện thọ trì luật nghi thanh tịnh, thân khẩu ý luôn luôn phải thanh tịnh, không phạm các lỗi, nếu lỡ phạm thì phải biết tàm quý (xấu hổ) sám hối cho đến khi định lực tâm không còn nhớ tưởng đến tội. Đạt được vậy Hành giả chứng vào quả Giới Tâm hợp với tri kiến phật.
7) Được bao nhiêu thiện căn tu tập, Hành giả hồi hướng về Bồ Đề. Tâm không nguyện sanh vào các hữu, cũng hồi hướng đến cho chúng sanh cũng như mình, phải thâm nhập đạo lý thực tế, không chạy theo danh tướng. Hành giả đạt được tâm như vậy thì chứng vào quả vị Hồi Hướng Tâm hợp với Tri Kiến Phật vậy.
8) Phải luôn phòng hộ tâm mình, không để phiền não xâm nhập, phải luôn giữ thanh tịnh để bảo hộ tâm mình, phải luôn nghĩ nhớ mình có tánh giác để bảo hộ tâm mình, phải luôn dùng trí quán chiếu không cho phiền não vọng tưởng dẫn để bảo hộ tâm mình làm được như vậy nhuần nhuyễn thì nhập vào Hộ Pháp tâm hợp với Tri Kiến Phật.
9) Phải luôn tỉnh giác thân mạng và tài sản cho là giả huyễn không thật nên tận dụng nó để làm phương tiện tiến tu. Hiện còn hay mất đều buông xã không luyến tiếc, quán niệm nhuần nhuyễn như vậy tâm không hề dao động thì chứng vào quả Xã Tâm hợp với Tri Kiến Phật.
10) Trong 9 quả vị trên phát nguyện lúc nào cũng tu tập thanh tịnh, hành trì một cách nhuần nhuyễn thì chứng vào quả Nguyện Tâm hợp với Tri Kiến Phật.
Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Đức Phật đã khai thị cho Đại chúng ngộ được Tâm này. Ở Tùng Địa Dõng Xuất phẩm 15 chư Bồ Tát từ dưới đất vọt lên đầy đủ chánh tín phát nguyện hộ trì tâm bằng tứ lập hạnh – Thượng hạnh và Vô biên hạnh – Tịnh hạnh – An lập hạnh để viên mãn 10 tâm này vậy.
Trãi qua mười qủa vị trên, Hành giả phát đại tu hành để thể nhập vào Tri Kiến Phật.
+ THẬP TRỤ:
Khi đã nhuần nhuyễn về 10 quả vị tín tâm rồi thứ đến Hành giả trụ tâm vào pháp để tu hành lúc này hành giả đang đứng giữa phước và nghiệp, tịnh và động, phước lành có tăng trưởng nhưng nghiệp chướng vẫn còn – Nhờ tâm có an định nên nhận ra phiền não một cách tinh tế hơn, giữa phiền não và tâm tịnh hai thái cực chống trái nhau, nếu không dung thông được thì ở đây Hành giả sẽ dễ bị thối chuyển đạo tâm.
1) Cho nên phải luôn tạo chân phương tiện để phát khởi tâm thâm tín, phải tin thờ Tam Bảo, thọ trì tu tập tất cả hạnh lành, không để tà kiến xâm nhập vào tâm. Nương Phật pháp để phát sanh trí tuệ, mới nhập được vào không giới, trụ vào giai vị tánh không, dùng lý không, để tu tập các pháp, tâm sanh tất cả các công đức. Ở đây Hành giả nhập vào Sơ Phát Tâm Trụ hợp vào Tri kiến Phật.
2) Khi Hành giả trụ vào giai vị tánh không nên tâm trong sáng. Cũng giống như từ lưu ly biến ra vàng ròng. Luôn an trú trong Diệu Tâm này mới phát ra địa, địa tức nơi chổ phát sanh công đức, hạnh lành. Đến đây Hành giả nhập được trì địa trụ hợp với Tri Kiến Phật.
3) Từ trì địa trụ, trụ một chỗ mà thấu suốt khắp mười phương, nên dạo đi khắp nơi và không chướng ngại. Chính chỗ này Hành giả không bị ràng buộc vào pháp môn tu tập và trụ xứ. Vì một pháp là tất cả pháp, một chỗ là tất cả các chỗ. Pháp do tâm mà hiện thì dù muôn pháp cũng từ tâm sanh ra. Nói một chỗ là tất cả các chỗ vì tâm bao trùm tất cả thiên hà đại địa mười pháp giới, nên ở phân biệt mà nói thì có mười phương, nhưng đứng ở bản thể thì không có phương nào cả vì chỗ thông suốt này không có trước sau, trái phải thì làm sao có phương hướng nơi chỗ. Người hiểu đạo, sống được như vậy thì nhập vào Tu Hành Trụ hợp với Tri Kiến Phật.
4) Khi tâm và hạnh khế hợp thì sanh ra lý vi diệu, nên sanh vào nhà Phật pháp, có khí phần của Phật và chủng tánh Như Lai, khi muốn ra đời thì thân trung ấm tự tìm cha mẹ, cả hai thầm thông đạt. Như chúng ta thấy như Thái tử Tất Đạt Đa tự tìm đến cung Tịnh Phạn vương để ra đời. Tổ Hoằng Nhẫn phải gá nương cô gái giặt đồ bên sông để ra đời. Như vậy trong chúng ta vị nào ra đời gặp Phật pháp, phát tâm chánh tín cầu vô thượng đạo thì vị đó đã thể nhập được giai vị sanh Quý trụ hợp với tri kiến Phật.
5) Hành giả đầy đủ tướng mạo (sắc tướng và giới tướng đầy đủ), luôn hướng tâm tu tập vô lượng thiện căn, khéo dùng phương tiện tự lợi, lợi tha an trú trong đó mà tu tập không ngừng nghỉ-tức chứng nhập vào giai vị Phương tiện cụ túc trụ hợp với tri kiến Phật.
6) Hành giả hướng tâm và tạo phương tiện tu tập mỗi mỗi đều hợp với tri kiến ba la mật của Phật thì thân đoan trang, tướng mạo đầy đủ, tâm cùng đồng với Phật. Ở đây, Hành giả nhập được Chánh tâm trụ hợp với tri kiến Phật.
7) Tâm Hành giả đã dung thông được pháp, sanh diệt bất nhị, từ chỗ chẳng có chẳng không, đi trong sanh tử mà không bị sanh tử trói buộc, thường hành, không, vô tướng, vô nguyện. Thân và tâm hòa hợp mỗi ngày mỗi tăng trưởng, Hành giả thể nhập vào Bất thối trụ hợp với tri kiến Phật.
8) Từ khi phát tâm tu trở đi trước sau không thụt lùi, không hề khởi niệm tà kiến phá hoại tâm Bồ đề, liền có đủ mười thân Phật - 1. Chúng sanh thân. - 2. Quốc độ thân. - 3. Nghiệp báo thân. - 4. Thanh văn thân. - 5. Độc giác thân. - 6. Bồ tát thân. - 7. Như Lai thân. - 8. Trí thân. - 9. Pháp thân. - 10. Hư không thân. Trong 10 thân này Quốc độ thân thuộc về khí thế gian. Chúng sanh thân – nghiệp báo thân – cho đến Bồ tát thân đều thuộc về hữu tình thế gian.
Như Lai thân cho đến Hư không thân thuộc về chánh giác thế gian. Mười thân này dung nhiếp các pháp của 3 thế gian (hiện tại, quá khứ, tương lai) dung thông tùy thời hiện mà không rời tự thân. Hành giả đạt được thì thể nhập vào Đồng chân trụ hợp với tri kiến Phật.
9) Hành giả chứng nhập vào Sơ pháp tâm trụ cho đến Sanh quí trụ là đã nhập thánh thai – rồi từ phương tiện Cụ túc trụ đến Đồng chân trụ là trưởng dưỡng thánh thai, đến đây tướng mạo đầy đủ, liền xuất thai, có đủ định lực, lưu truyền pháp vị của Phật. Hành giả đạt đến đây gọi là nhập vào Pháp Vương trụ hợp với tri kiến Phật.
10) Trãi qua 9 nhập ở trên Hành giả sẽ được chư Phật dùng nước cam lồ quán đỉnh luôn thị hiện hỗ trợ để Hành giả thành tựu 3 biệt tướng:
1- Độ chúng sanh.
2- Được cảnh giới sở nhập thâm sâu.
3- Rộng học đủ trí tuệ.
Ở đây Hành giả được nhập vào Quán đảnh trụ, hợp với tri kiến Phật.
Trong Diệu Pháp Liên Hoa kinh phẩm Dược Vương Bồ tát Bổn sự thứ 23 Ngài Dược Vương Bồ tát đã chứng được thập trụ, quán các pháp không, đốt tay thiêu thân cúng dường Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh liền chứng lý nhị không “không pháp, không nhơn vọng thân uẩn được nhất thiết sắc thân tam muội”. Hiện tướng tu vô lượng diệu hạnh, nhập vào tri kiến Phật. Lúc đó, đức Nhựt Nguyệt Phật liền vào Niết bào, giao việc nhiếp hóa chúng sanh lại cho Dược Vương Bồ tát, đến đây quả tự lợi đã viên mãn khởi vô biên diệu hạnh độ sanh để viên thành chánh giác.