B. PHẦN LỢI THA:
Qua 20 nấc thang thể nhập trước Hành giả đã thành tựu được 3 biệt tướng, đến đây phải khởi hạnh lợi tha để giác hạnh được viên mãn.
+ THẬP HẠNH:
1) Lợi tha – tức phát từ tâm khởi hạnh, tâm này là TÍN và HẠNH là DỤNG, dụng từ tánh mà có, như ánh sáng từ gương chiếu ra, gương còn thì ánh sáng còn, không phân biệt ngày đêm. Dụng này cũng vậy, tánh thường hằng viên dung nên dụng cũng luôn chiếu sáng không phân biệt vật trắng – đen, lớn – nhỏ. Vậy thì khi độ sanh không phân biệt chủng loại và thiện ác mà phải lặn lội khắp tam giới trong sáu đường để tùy thuận độ chúng sanh, độ sanh mà không thấy độ sanh nên tâm không hề có một niệm phiền não, thối chuyển. Như vậy, Hành giả nhập vào Hoan Hỷ Hạnh hợp với tri kiến Phật.
2) Khi tu tập được phần tự lợi, từng giờ, từng ngày Hành giả đều làm việc lợi ích cho chúng sanh – về Tánh thì hồi hướng cho chúng sanh phát Bồ đề tâm – về Sự thì không ngừng nghỉ làm việc lợi ích cho chúng sanh – Đến đây Hành giả nhập vào Nhiêu ích hạnh hợp với tri kiến Phật.
3) Đã ngộ được Tri kiến Phật rồi thì phải sống với Tri kiến Phật, cho nên khi khởi hạnh độ sanh để thành tựu đạo nghiệp thì Hành giả phải luôn dùng sức nhẫn nhục tự hộ tâm mình, phải cung kính tất cả chúng sanh như cung kính Phật vì mỗi chúng sanh là 1 vị Phật, không hề có một niệm hại chúng sanh. Dù chúng sanh đó là kẻ oán ghét mình. Công đức khiêm hạ và nhẫn nhục đó giúp chúng ta lìa sân hận – Hành giả liền nhập vào giai vị Vô sanh hạnh hợp với Tri kiến Phật.
4) Chúng sanh căn tánh vô lượng: mỗi chúng sanh đều khác nhau, khi giáo hóa chúng sanh thì Hành giả cũng phải hợp vô lượng hạnh để thích nghi với căn tánh chúng sanh, phải thực hành Đại tinh tấn. Độ chúng sanh mà không thấy mình độ và chúng sanh được độ. Ngã nhơn không ngăn ngại, một lòng đưa chúng sanh về với Phật đạo không hề lười biếng, sao lãng. Đến đây Hành giả chứng vào Vô tận hạnh hợp với tri kiến Phật.
5) Khi độ chúng sanh chính là độ mình vì chúng sanh và mình đồng nhất thể, như kiếng chiếu ra ánh sánh nhưng không có ánh sáng thì không phải là kiếng, lại các pháp có bởi vì có chúng sanh, không có chúng sanh thì pháp không sanh. Hành giả phải trụ tâm như thế không bị các pháp làm si loạn. Hành giả liền nhập giai vị Ly si loạn hạnh hợp với tri kiến Phật.
6) Ngộ được Tri kiến Phật biết được các pháp vốn nó là không, tâm cảnh cũng không thật, ba nghiệp thân khẩu ý của Hành giả đã vắng lặng không trói buộc cũng không đắm trước, nhưng luôn khởi dụng giáo hóa chúng sanh, Hành giả thể nhập vào giai vị Thiện hiện hạnh hợp với tri kiến Phật.
7) Trãi qua nhiều kiếp nơi nơi chốn chốn như số hạt bụi trong hư không cùng Phật cầu pháp mà tâm không nhàm chán, luôn vắng lặng mà tỉnh thức quán rõ thật tướng các pháp nên không đắm trước đối với tất cả pháp, Hành giả đạt được Vô trước hạnh hợp với tri kiến Phật.
8) Tôn quí tu tập các pháp thiện căn trí tuệ dù gặp nghịch duyên cũng không thối bỏ, gặp lợi dưỡng cuốn hút cũng không theo, nhờ đó càng tiến tu hạnh tự lợi, lợi tha được thành tựu, Hành giả bước vào giai vị Tôn trọng hạnh hợp với tri kiến Phật.
9) Hành giả trụ vào Đà la ni (những hạnh lành) rồi dùng trí vô ngại 1.- Pháp vô ngại – lãnh ngộ danh cú, văn chương của pháp mà linh động thuyết giảng, quyết đoán vô ngại. 2.- Nghĩa vô ngại – Tinh thông nghĩa lý thuyết giảng và quyết đoán vô ngại. 3 - Từ vô ngại – Tinh thông phương ngôn các nơi chỗ một cách vô ngại. 4 - Biện vô ngại – tùy thuận chánh lý, theo sự mong cầu của chúng sanh mà nói pháp, khiến cho chúng sanh thành tựu thiện pháp, không làm dứt tuyệt hạt giống Phật. Với đạo lý đó Hành giả nhập vào giai vị Thiện pháp hạnh hợp với tri kiến Phật.
10) Hành giả an trú trong thiện pháp tất cả ngôn ngữ đều hợp đạo lý, lời nói đi đôi với việc làm, tâm nghĩ thiện tướng hiện oai nghi thiện, sắc tâm đều thuận nhau. Hành giả thể nhập được Chân thật hạnh hợp với tri kiến Phật.
Phẩm 24 Diệu Pháp Liên Hoa kinh Diệu Âm Bồ tát cùng bốn muôn bốn nghìn Bồ tát qua cõi Ta bà để cúng dường nghe kinh Pháp Hoa chính là Bồ tát trụ vào thập hạnh này vậy.
Từ diệu pháp sanh ra diệu tâm, trí thanh tịnh diệu viên chuyển tám muôn bốn nghìn trần lao thành tám muôn bốn nghìn diệu hạnh, diệt được thọ uẩn, lìa sanh tử nhập vào tri kiến Phật.
+ THẬP HỒI HƯỚNG:
1) Hành giả đã hành sáu pháp Ba la mật, dùng Tứ nhiếp pháp để cứu độ chúng sanh không phân biệt kẻ thân người oán. Như Đề Bà Đạt Đa hay Thường Bất Khinh Bồ tát, phải giữ tâm bình đẳng như Long Nữ 8 tuổi thành Phật không phân biệt chủng loại chúng sanh lớn bé – Hành giả nhập vào giai vị Cứu hộ nhứt thiết chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng.
2) Khi quy y Tam bảo có 3 thệ nguyện:
+ Không quy y thiên thần quỷ vật.
+ Không quy y ngoại đạo tà giáo.
+ Không quy y thầy tà, bạn dữ.
Vị nào không giữ được niềm tin ban đầu mà chạy theo tà đạo tức là phản bội lại niềm tin của mình, nói cách khác là làm tổn hại tâm mình. Ngược lại có niềm tin với Tam bảo một cách kiên cố bất hoại càng ngày càng thâm tín hơn, năng đem căn lành hồi hướng cho chúng sanh được lợi ích, Hành giả sẽ nhập vào giai vị Bất hoại hồi hướng hợp với tri kiến Phật.
3) Chư Phật ba đời đồng một bản nguyện nương vào sanh tử để tìm quả Bồ đề, đi trong sanh tử mà không bị sanh tử chi phối, cũng không thấy sanh tử. Tức sanh tử là Bồ đề, ví như căn nhà xây dựng nơi đất chứ không xây dựng ở hư không được mà đất cũng không phải căn nhà nên ở đây không đắm sanh tử, cũng không lìa Bồ đề. Như vậy, Hành giả nhập vào Đẳng nhứt thiết Phật hồi hướng.
4) Hành giả phải khởi tâm thương xót chúng sanh trầm luân sanh tử mà phát nguyện tu hành nên khi chúng sanh hướng đạo để trang nghiêm chánh báo thì quốc độ Hành giả thành tựu, cho nên Hành giả phải hồi hướng thiện pháp tu được đến khắp mọi nơi từ Tam bảo cho đến chúng sanh được lợi ích tức Hành giả thành tựu Phật quốc. Đạt đến đây Hành giả chứng nhập giai vị Chí nhứt thiết xứ hồi hướng, hợp với tri kiến Phật.
5) Tự mình nhiếp tu thiện căn phát sanh công đức – còn phải tùy hỷ cả vô tận thiện căn của chúng sanh, đem tất cả hồi hướng làm Phật sự để lợi ích tất cả chúng sanh, được vô lượng vô biên công đức của thiện căn. Hành giả đạt được giai vị Vô tận công đức Tạng hồi hướng hợp với tri kiến Phật.
6) Tất cả thiện căn Hành giả tu tập được đều hợp với tri kiến Phật hồi hướng tất cả thiện căn đó và sự hộ niệm đó cho chúng sanh thiện căn kiên cố – Hành giả nhập vào giai vị Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng hợp với tri kiến Phật.
7) Hành giả tu tập thiện căn viên mãn nay khởi tâm Đại bi làm cho chúng sanh cũng được viên mãn thiện căn, Hành giả nhập vào giai vị Tùy thuận đẳng quán nhứt thiết chúng sanh hồi hướng hợp với tri kiến Phật.
8) Thuận theo tướng chơn như và thị hiện các pháp nhưng ly tất cả tướng, cả thuận và ly hai cái đều không dính, tất cả đều hồi hướng đạo Niết bàn, Hành giả chứng nhập vào Chân như tướng hồi hướng, hợp với tri kiến Phật.
9) Hành giả đối với tất cả pháp không chấp trước, tâm được như như, giải thoát vô ngại, thực hành hạnh nguyện Phổ Hiền đầy đủ oai đức xoay tâm hướng về đạo Niết bàn, Hành giả chứng nhập vào Vô phược trước giải thoát hồi hướng.
10) Hành giả tu tập tánh đức thành tựu viên mãn đem pháp lành này hồi hướng đến pháp giới sai biệt được vô lượng công đức chứng đạo Niết bàn. Hành giả chứng nhập vào Pháp giới vô lượng hồi hướng.
Do Pháp Hoa Tam muội và thỉ giác hợp cùng bổn gíac Quán Âm Bồ tát ở phẩm 25 kinh Pháp Hoa là tiêu biểu hiện thập giới thân tùy thuận pháp diệu độ chúng sanh chứng Diệu Hạnh phá căn bản vô minh diệt tiêu tưởng uẩn Đại viên cảnh trí hiện tiền viên mãn thập hồi hướng đồng đẳng cùng mười phương chư Phật thể nhập vào tri kiến Phật.
+ TỨ GIA HẠNH
Hành giả thể nhập qua 40 quả vị trên rồi, thì được thành tựu bốn thứ gia hạnh diệu viên này.
1) Noãn địa: Hành giả liễu đạt pháp giới bình đẳng, tánh đức được viên thành, đã giác ngộ đồng như Phật – tức lấy bản giác làm tâm mình, diệt trừ các phân biệt đối đãi vi tế, ví như đem 2 cây dùi cho ra lửa để tự đốt cây mà dùi chỉ mới có hơi ấm thì gọi là nhập Noãn Địa.
2) Định địa: Hành giả giác ngộ như Phật nhưng chưa diệt hết lậu tận hoặc nên lấy cái tâm mình thành chỗ đứng của Phật như lên núi cao thân đã vào hư không nhưng chân còn ngăn ngại bên dưới, thì gọi là nhập Định Địa.
3) Nhân địa: Tâm Hành giả và Phật đồng nhau không thể phân biệt, không quên cũng chẳng nhớ, dung thông lý trung đạo nhập vào Nhân Địa.
4) Thế đệ nhất địa: Từ chỗ mê ngộ bình đẳng nên gọi là trung đạo, Hành giả thấu đạt chỗ trung đạo cũng không có chỗ trung đạo. Các pháp như như bất động, nhập vào Thế đệ nhất địa.
Trong phẩm Dược Vương Bồ tát thứ 23 Pháp Hoa kinh Ngài Chúng Sanh Hỷ kiến Bồ tát là nhân tu Pháp Diệu, chứng quả Pháp Diệu hiệu là Dược Vương. Đến phẩm Đà La ni 26 Ngài Dược Vương lại khởi nhân Pháp Diệu để lên Diệu giác quả.
Hàng Bồ tát hiện Diệu Hạnh, đắc Diệu Quả tuy nhiên tàng thức sâu kín vẫn còn hành uẩn rất vi tế chưa diệt được nên Bồ tát nương lực gia trì để quét sạch những tập khí còn lại. Ở đây, hàng Bồ tát nương vào định lực Tứ Gia Hạnh tổng trì Pháp diệu chứng vào tri kiến Phật.
+ THẬP ĐỊA.
1) Trãi qua Tứ Gia hạnh Hành giả diệt trừ được những niệm tưởng mê lầm, giác ngộ và diệt cả niệm tưởng phi mê phi giác, bình đẳng với bất bình đẳng. Bản lai tự tánh Hành giả viên dung vô ngại, chỗ giác ngộ đã cùng tột cảnh giới chư Phật, Hành giả không còn phân biệt ngã chấp, pháp chấp, bắt đầu được pháp lạc liền chứng Hoan hỷ địa.
2) Hành giả liễu đạt tất cả tính sai biệt đều vào một tính “đồng” và rồi tính “đồng” cũng diệt, ở đây Hành giả chứng nhập vào Ly cấu địa.
3) Trong tâm Hành giả đã thanh tịnh dùng trí tuệ cùng sáng suốt không một pháp ngăn ngại, Hành giả chứng nhập vào Phát quang địa.
4) Trí tuệ Hành giả càng thông suốt thì sự giác ngộ càng viên mãn, Hành giả dùng lửa trí tuệ thiêu đốt vi tế phiền não thể nhập Diệm huệ địa.
5) Hành giả được chánh trí không còn giác vị nào hơn nữa, liễu đạt viên dung chân đế và tục đế không hai, nương phương tiện cứu độ những chúng sanh khó độ, Hành giả thể nhập vào Nan thắng địa.
6) Tánh chơn như năng dụng nhưng không nhiễm không tịnh thường hằng hiện tiện. Hành giả nhập vào Hiện tiền địa.
7) Hành giả đắc hạnh vô tướng, tâm Chơn như hiển lộ không một pháp chẳng phải Chơn Như bủa khắp không bờ bến, Hành giả nhập vào Viễn hành địa.
8) Đạt lý một là tất cả, tất cả là một. Tâm Chơn như thường trụ không ngừng phát sanh trí tuệ vô tướng, tuyệt đối không còn phiền não làm lay động Hành giả nhập vào Bất động địa.
9) Từ Chơn Như bất động Hành giả hóa thân vô số độ chúng sanh, đầy đủ năng lực bốn trí vô ngại, viên mãn hạnh lợi tha được trí tuệ tự tại, Hành giả nhập vào Thiện huệ địa.
10) Công đức tu hành các hạnh đã viên mãn thành tựu Đại pháp thân, từ bi – trí tuệ bủa đến che chở chúng sanh, Hành giả nhập vào Pháp vân địa.
Thể nhập 10 địa dung thông được pháp giới tánh Hành giả hướng định lực để lên ngôi Đẳng giác.
Trong phẩm “Diệu Trang Nghiêm Bổn sự thứ 27” Diệu Pháp Liên Hoa kinh hai người con Tịnh Tạng - Tịnh Nhãn hướng cho vua cha xuất gia, khi vua cha xuất gia xong thì tất cả quần thần, quyến thuộc xuất gia theo – nghĩa là Tịnh Tạng là bản giác, Tịnh Nhãn là thỉ giác. Bản và Thỉ hợp nhất lên Đẳng giác vậy. Đẳng giác thành tựu được thì do bản giác và thị giác. Vua Diệu Trang Nghiêm đi xuất gia nhờ 2 con là ý này vậy.
Khi vua cha xuất gia thì tất cả đều xuất gia là ý Diệu pháp, diệu hạnh đều hướng theo Đẳng giác. Ở đây phá được uẩn cuối cùng là thức uẩn. Thức uẩn đã phá xong viên mãn thập địa, Hành giả lên ngôi Đẳng Diệu giác nhập tri kiến Phật.
+ ĐẲNG VÀ DIỆU GIÁC
Như Lai từ pháp thân thanh tịnh vô tướng mà hiện ra muôn tướng để tùy thuận độ chúng sanh, tức đi ngược vào bể sanh tử. Nhưng giáo pháp Ngài dạy cho chúng sanh tu thì từ dòng sanh tử khởi điểm những pháp căn bản, từ bản giác thôi thúc thỉ giác trãi qua các hạnh tu hành chứng từng thánh vị rồi đi đến Phật quả. Khi Hành giả đã trãi qua các Thánh vị đến đây đã thể nhập đồng một giác tánh Như Lai nên gọi là Đẳng giác.
Từ Đẳng giác Hành giả giác ngộ thêm sanh tướng của vô minh (lậu tận biết tất cả 3 thời của các pháp) liền chứng Nhân địa Như Lai tức là quả Diệu giác thành tựu nhứt thiết trí, nhứt thiết chủng trí tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Phẩm Phổ Hiền khuyến phát thứ 28 trong kinh Pháp Hoa đã nói lên tánh dụng này, “Phổ” là bao trùm khắp – đức huệ Diệu Hạnh là “Hiền”. Đến đây Hành giả lấy pháp giới làm thân, lấy hư không tánh làm xứ, từ đó không hề khởi niệm đến đi và thời gian không gian, viên mãn Diệu Tâm, Diệu Hạnh, Diệu quả bản lai tự tánh hiện tiền không hề sanh, không hề diệt, cũng chẳng mê, chẳng ngộ - thể nhập trọn vẹn tri kiến Phật đắc vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
III. LỜI KẾT:
Kết thúc bài giảng hôm nay, xin gởi đến quý vị bài kệ của Ngài Phó Đại sĩ – một thiền sư khi thể nhập được đạo:
Không sanh cũng không diệt,
Không ngã cũng không nhơn,
Dứt trừ phiền não chướng,
Không còn có thân sau.
Tâm cảnh đều vắng lặng,
Do đâu khởi tham, sân.
Không bi cũng không trí,
Thế giới nhập Chơn không.
Cầu Phật gia hộ đại chúng luôn an lạc, tinh tấn.
Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát.
BAN HOẰNG PHÁP.