NGỘ TRI KIẾN PHẬT

NGỘ TRI KIẾN PHẬT

I. DẪN NHẬP:
Trong bốn pháp quan trọng mà Đức Phật ra đời vì bản hoài cứu vớt chúng sanh ra khỏi luân hồi sanh tử. Đó là KHAI THỊ NGỘ NHẬP TRI KIẾN PHẬT cho chúng sanh. Trong hai kỳ học gần đây chúng ta đã học qua hai phần KHAITHỊ rồi. Hôm nay chúng ta đi vào phần NGỘ TRI KIẾN PHẬT.

Phần Khai Tri Kiến Phật là mở ra cho chúng ta thấy tội, phước thật giả sanh diệt của các pháp. Đến Thị Tri Kiến Phật sẽ chỉ cho chúng ta biết trong các pháp sanh diệt hư vọng đối đãi đó lại tiềm tàng cái không sanh diệt mà nó vẫn thường hằng. Đó là thực tướng của các pháp mà thật tướng của các pháp đó chính là đồng thể với tự tánh thanh tịnh của chúng ta nói rõ hơn đó là Tri Kiến Phật.

Bước qua bài thứ ba, bài mà hôm nay chúng ta học là NGỘ TRI KIẾN PHẬT. Đến Ngộ Tri Kiến Phật là đạo lý mà chúng ta không thể dùng văn tự ngôn ngữ để biện minh nữa, mà nó là phương pháp thực nghiệm trong cuộc sống để hoàn thành kiến giải ở phần khai thị. Nếu như chúng ta chỉ nhận thức ở KHAI THỊ mà không NGỘ được thì đó chỉ là đối đãi tri thức không liên quan gì đến giải thoát trí huệ để thể nhập vào Tri Kiến Phật.

II. KHÁI NIỆM VỀ NGỘ TRI KIẾN PHẬT 
Con đường thể nhập Tri Kiến Phật là phương pháp thực nghiệm trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất chúng ta phải ý thức rằng thành Phật là vị phật ở ngay trong chính mình chứ không ở đâu khác, cho nên đạo lý càng cao thì cuộc sống càng thực tế gắn liền ở nơi lời nói việc làm, ý niệm của mình chứ không xác lập ở nơi văn tự ngôn ngữ biện chứng. Chính ở điều này mà 49 năm thuyết pháp của Đức Phật, Ngài lại nói “Ta chưa từng nói một lời”. Chúng ta làm sao chấp nhận được, trong khi tạng kinh là kết tập lời của Ngài dạy vẫn còn đó. Như vậy Đức Phật muốn cho chúng sanh nhận ra rằng  chỗ cứu cánh giác ngộ giải thoát là do nơi chúng sanh chứ không phải ở sự khai thị của Thế Tôn. Vì dù Thế Tôn có nói mà chúng sanh không tin nhận để thực hành thì không có nghĩa gì cả. Cho nên chơn lý Ngài lưu truyền hơn 2000 năm mà chúng sanh vẫn chồng chất khổ đau trong lục đạo. Vậy lời nói Ngài như ngón tay chỉ mặt trăng chứ thật ngón tay đó không phải là mặt trăng.

Trong kinh điển Đại thừa trình bày cho chúng ta về phần Khai Thị Ngộ Nhập Tri Kiến Phật rất nhiều  nhưng chúng ta phải tuần tự từng bước mới có thể nhận thức được. Kinh  Diệu Pháp Liên Hoa từ phẩm Phương Tiện thứ 2 đến phẩm Pháp Sư Công Đức thứ 10 Đức Phật đã khai mở cho chúng ta thấy về tội phước nghiệp quả và chánh báo phước đức. Đến phẩm 11 ở đây Đức Phật Ngài không nói nhân quả tội phước nữa mà đã hiển thị cho đại chúng thấy pháp thân thường trụ qua hình ảnh tháp bảy báu và Đức Đa Bảo Như Lai. Khi chúng sanh đã tin nhận Nhân - Quả Tội - Phước rồi và biết mình có pháp thân bất sanh diệt rồi Thế Tôn mới chỉ cho đại chúng ngộ được tri kiến Phật (nhận ra Tri Kiến Phật của mình).

Qua hình ảnh Đức Thế Tôn thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa trong phẩm 12 của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa chúng ta nghĩ sao về việc này. Nói đến Đề Bà Đạt Đa, Phật tử chúng ta chẳng ai mà không biết là người đã từng có những hành động chống trái, sát hại Đức Phật. Vậy mà Đức Phật vẫn thọ ký cho được làm Phật, thế thì đối với chúng sanh còn mê hoặc thì trong tâm còn phân biệt thiện ác, tốt xấu nhưng khi NGỘ rồi thì khác vì tâm Diệu Liên Hoa không có thiện ác nên khi nhìn chúng sanh bằng tâm này thì tất cả đều thanh tịnh. Huống chi Đức Phật từ cõi pháp tánh thanh tịnh với lòng từ bi khởi dụng độ sanh. Điều u huyền hơn nữa là hình ảnh của Long Nữ  mới 8 tuổi mà lại chốc lát biến thành phật. Chúng sanh từ vô thỉ chẳng biết chân tánh của mình xưa nay tròn đủ trong sạch, vì cứ chạy theo vọng tưởng, sắc tướng tham dục nên thọ sanh trong sáu đường. Nhưng dù đang đoạ ở nẻo ác nào đi nữa thì chơn tánh đó không có hình bóng của sáu đường chúng sanh nên khi nhận ra được nó rồi thì đồng nhất thể giữa Phật và chúng sanh.

Lại trong phẩm Tùng Địa Dõng Xuất, lúc các vị Bồ tát ở nước khác xin đến Ta bà này để cúng dường giữ gìn kinh Pháp Hoa đức Phật đã từ chối “thôi chẳng cần các ông đến vì cõi Ta bà này đã có vô số Bồ tát. Lúc đó có hằng sa Bồ tát từ dưới đất vọt lên đều đầy đủ đạo Bồ tát để giữ gìn kinh này và giáo hóa chúng sanh.” 

Đoạn kinh này đức Phật đã chỉ cho chúng ta trực nhận trọn vẹn về tri kiến Phật. Các vị Bồ tát nơi khác không thể giữ gìn tánh giác cho mình được. Cho nên dù chúng ta có làm bất cứ việc gì lớn lao hay tinh tấn tu tập cùng kiếp đi nữa nhưng chúng ta chưa ngộ được tánh giác (Tri kiến Phật) thì việc làm đó chỉ ở bên ngoài, chỉ được phước báo hữu lậu trong sanh diệt, chứ không thoát ly sanh tử được. 

Ngày xưa ở Trung Hoa vua Lương Võ Đế làm nhiều Phật sự xây chùa và nuôi Tăng nhưng Tổ Bồ Đề Đạt Ma khẳng định việc làm đó không có công đức nào cả. Điều này chứng tỏ nhà vua chưa ngộ được tri kiến Phật nên làm được nhiều việc thấy lớn nhưng đạo nghiệp không viên mãn được.
Kinh nói chỉ có các vị Bồ tát ở Ta Bà mới tự hộ niệm gìn giữ kinh Diệu Pháp Liên Hoa được. Như vậy Bồ tát xuất hiện ở Ta Bà là sao?– Khi chúng ta ngộ được Tri kiến Phật mọi Phật sự khởi dụng từ Bản giác thì việc làm mới sanh ra công đức trí huệ. Ở phần Ngộ Tri kiến Phật này chúng ta phải hiểu rằng “NGỘ TRI KIẾN PHẬT” chứ không phải là Tri kiến Phật nó chỉ là đầu mối của tri kiến Phật như chúng ta đang nhìn thấy của báu nhưng chưa nắm trong tay được. Do nhờ trở về với bản giác nên bản giác thôi thúc chúng ta sanh được thủy giác, thủy giác năng đối đãi hàng phục niệm bất giác để viên mãn cứu cánh Tri kiến Phật. 

Khi ngộ rõ thì tâm này với tâm Phật không khác nhưng vì nghiệp chướng lâu đời còn che lấp ví như sóng lặng rồi mà gió vẫn thổi thì mặt nước làm sao bình được. Cho nên, hình ảnh vị quốc vương trong kinh Pháp Hoa khi ngộ lý đạo rồi đã thôi bỏ ngôi vua và theo hầu lại vị tiên nhơn để học pháp Đại thừa chỉ mong nhận ra cái tâm Diệu Liên Hoa (Tri kiến Phật) mà bỏ ngôi vua, bỏ luôn cả nước thành, vợ con, tôi tớ, bè bạn, đầu, mắt… chẳng tiếc thân mạng. 

Long Nữ khi dâng châu xong biến thành nam tử phải thấu rõ tánh tội phước tức phải lìa tâm chủng loại tham dục của chúng sanh để đầy đủ phước trí. Bồ tát từ dưới đất vọt lên thì cũng phải phát nguyện hộ trì lập ra 4 hạnh: 1- Thượng hạnh, 2- Vô biên hạnh, 3- Tịnh hạnh, 4- An lập hạnh, rồi tinh tấn hành trì cho đến ngày viên mãn Tri kiến Phật.

Vậy thì khi NGỘ được Tri Kiến Phật rồi trong tâm chỉ có Diệu Pháp, phải cởi bỏ mọi yêu thích, quên mệt mỏi, nhọc nhằn ngày đêm phải tinh tấn phát huy công hạnh, không sờn khổ cực gian lao chỉ một lòng gìn giữ tánh giác và hành đạo cầu thành Phật mà thôi.

Chúng ta ngày nay phần nhiều bị tà tâm xâm nhập, ít người hiểu đúng đạo lý nên tu học chưa bao lâu mà đòi chứng thánh rồi cứ bỏ này bắt kia, vì chưa ngộ được tánh nên giải đãi, phóng dật, chướng duyên lôi cuốn đạo tâm mờ dần, tâm tham dục ngự trị và dẫn dắt đi vào nẻo ác. Hoặc có những vị mệnh danh là Phật tử nhưng kỳ thật chẳng hiểu gì đạo lý giác ngộ giải thoát cả nên suốt cuộc đời chấp vào danh tướng, trèo đèo băng núi chạy theo sự quyến rũ của ma quân làm quyến thuộc của chúng, lún sâu vào tà kiến rồi trầm luân muôn kiếp không ngày ra khỏi. Thật đáng thương một kiếp người mang tâm nguyện tầm sư học đạo mà chẳng được gì cả.

III. NGỘ PHẬT TRI KIẾN VÀ TU TẬP
Phần trước chúng ta đã khái niệm về NGỘ PHẬT TRI KIẾN. Đến đây chúng ta tìm hiểu về chư vị Thánh Tăng khi NGỘ được Phật Tri Kiến rồi các Ngài hạ thủ tu tập như thế nào để chúng ta cũng có thể giác ngộ theo quý Ngài mà ứng dụng trong cuộc sống.

1. Ngài Thường Bất Khinh Bồ tát ngộ đạo và tu tập
Vào thời mạt pháp, kiếp của đức Oai Âm Vương Như Lai. Lúc bấy giờ các hàng Tăng thượng mạn có thế lực lớn, có vị Tỳ kheo khi ngó thấy Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di thảy đều lễ lạy khen ngợi nói rằng: “Tôi rất kính quý Ngài chẳng dám khinh mạng. Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật”. Lúc nói đó chúng nhơn hoặc lấy gậy, cây, ngói đá để đánh ném Ngài vẫn to tiếng xướng rằng “Tôi chẳng dám khinh quý Ngài vì quý Ngài sẽ thành Phật”. Từ đó mọi người gọi Ngài là Thường Bất Khinh. Vị Tỳ kheo đó lúc sắp mạng chung nơi giữa hư không  nghe trọn hai mươi nghìn muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa, liền thọ trì và được sáu căn thanh tịnh.

Trong thời mạt pháp tức Phật pháp bị các chướng làm lu mờ, nên các tà pháp kết hợp lại có thế lực và họ cho rằng họ là hơn hết. Vì không nhận được bản tâm nên thế lực càng cao thì tâm ngã mạn càng lớn, hạng người này dù thấy họ hình tướng người tu và làm rất nhiều việc nhưng chỉ tô bồi thêm cho bản ngã và vì danh lợi chứ thật họ đang làm cho Phật pháp lu mờ.

Thường Bất Khinh vì NGỘ được Tri Kiến Phật, tự biết cái tánh giác vẫn luôn thường hằng chiếu sáng ở nơi ác tâm hay thiện tính cũng không khác. Tâm niệm ác ở nơi các người tăng thượng mạn nó cũng không thật, nó chỉ là đối đãi sanh diệt. Ngộ được tánh giác rồi Ngài Thường Bất Khinh rỗng rang. Trong tánh giác không chứa ác tâm nên dù bị đánh ném nhưng Ngài Bất Khinh vẫn thấy thanh tịnh. Như vậy, chúng ta thấy các tướng hiện ra đủ hành động nhưng thật thể của nó vẫn không khác gì tánh giác mà Ngài Thường Bất Khinh đã nhận được. 

Ở đây chúng ta liên tưởng đến Bồ tát Địa Tạng giáo hóa chúng sanh ở địa ngục nhưng với Ngài thì không có địa ngục bởi vì trong tánh giác không có tướng địa ngục huống chi các hành động đối đãi hơn thua qua lại.

Vậy Ngài Thường Bất Khinh lễ lạy ở đây là lễ lạy tánh giác của mọi chúng sanh, mà tánh giác của chúng sanh với Ngài không khác nên dù có lễ lạy mà Ngài không thấy mình lễ lạy – tức là sáu căn đã thanh tịnh, nhận được tri kiến Phật của mình vậy.

2. Cư sĩ Duy Ma Cật 
Cư sĩ Duy Ma Cật bệnh Phật bảo Đồng tử Quang Nghiêm đi thăm bệnh Ông Duy Ma Cật.
Quang Nghiêm bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, con không kham lãnh đến thăm bệnh ông được. Vì sao ?. Nhớ lại ngày trước con ở trong thành lớn Tỳ-Da-Ly vừa ra, lúc đó ông Duy Ma Cật mới vào thành, con liền chào và hỏi rằng “Cư sĩ từ đâu đến đây ?”.
- Ông đáp: “Tôi từ Đạo tràng đến.”
- Con hỏi: “Đạo tràng là gì ?”.
- Ông đáp: “Trực tâm là Đạo tràng”.

Duy Ma Cật dịch là Tịnh Danh, ông là một cư sĩ sống vào thời của đức Phật, đã tu tập và thâm nhập đạo lý rất sâu. Một hôm ông thị hiện tướng bệnh, đức Phật sai hàng đệ tử đi thăm mà chẳng ai dám đi vì sợ đến biện luận không thông chỗ đạo lý của ông. Cuối cùng trong hàng đại Bồ tát có Ngài Văn Thù Sư Lợi đến thăm và biện giải nhiều đạo lý cao sâu.

Ở đây không phải học kinh Duy Ma Cật nên chúng ta không đề cập đến nhiều. Chúng ta chỉ mượn câu chuyện ở trên để bổ sung cho phần Ngộ Tri Kiến Phật.

Theo lịch sử địa danh ở Ấn Độ thì thành Tỳ-Da-Lỵ là một nơi đông người và buôn bán đủ mọi thành phần rất phức tạp thế mà khi Quang Nghiêm đồng tử hỏi ông từ đâu đến đây? Ông trả lời từ Đạo tràng đến. Quang Nghiêm đồng tử ngạc nhiên vì thấy ông đang ở trong thành mà sao nói từ Đạo tràng đến nên liền vặn hỏi Đạo tràng là gì? Ông liền đáp “Trực tâm là Đạo tràng”. Thật là một câu trả lời chứa đựng đạo lý của người ngộ đạo. Đạo tràng tức là một nơi thanh tịnh, trực tâm tức là nhận được tâm hay nói một cách khác là đã nhận ra tự tánh của mình vậy. 

Do đã nhận ra được tự tánh thah tịnh của mình nên Duy Ma Cật dù ở đâu nữa ông ta vẫn thấy thanh tịnh. Vì địa danh nơi chỗ hay nghề nghiệp tốt xấu… tất cả đều do vọng thức phân biệt mà có, kể cả địa ngục cũng chỉ là giả tướng do nghiệp cảm sanh ra cho nên khi nhận ra được tự tánh rồi các tướng phân biệt đó đều mất nên kinh gọi là “nhập lưu vọng sở”. Ở đây là ngộ được Tri kiến Phật vậy.

3. Thiền sư Huyền Giác ngộ Tri kiến Phật:
Huyền Giác thiền sư thuở thiếu thời nổi tiếng là một học Tăng trí thức. Qua quá trình chuyên ròng tu tập theo pháp môn nhất tâm tam quán của Thiên Thai Tông và hành trì theo pháp chỉ quán đến mức tinh tế. Trong tâm trạng giữ mê và ngộ Huyền Giác phải tìm đến gõ cửa Tổ Huệ Năng để biết cái thấy của mình có hợp với tâm ấn của chư Phật không ?

Sau đây chúng ta tìm hiểu sở ngộ của Ngài qua giai thoại giữa Ngài và Tổ Huệ Năng.
- Ngài Huyền Giác đi quanh Tổ 3 vòng xong rung tích trượng đứng.
- Tổ nói: “Phàm là Sa môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Đại đức từ đâu đến mà lớn lối ngạo mạn vậy”.
- Ngài Huyền Giác đáp: “Sanh tử là việc lớn. Vô thường mau chóng lắm”.
- Tổ nói: “Vậy sao chẳng thể nhận cái lý “vô sanh” thấu rõ cái nghĩa “không chóng”?”.
- Ngài Huyền Giác đáp: “Thể tức “vô sanh”, thấu vốn “không chóng””.
- Tổ đáp: “Đúng vậy ! Đúng vậy !”.
- Ngài Huyền Giác bèn dùng hết oai nghi mà vái lạy xin phép ra về.

Ngài Huyền Giác đã bao năm miệt mài nghiên tầm giáo quán để giải quyết vấn đề sanh tử nên đối với Ngài Huyền Giác chỉ có sanh tử là việc lớn, lúc đến với Tổ Huệ Năng cũng không ngoài mục đích đó mà quên cả sự chào hỏi khi gặp Tổ. Tuy nhiên, Ngài Huyền Giác ba vòng đi quanh Tổ Huệ Năng cũng đã nói lên cái dụng của Ngài Huyền Giác vẫn luôn năng ứng.

Tổ Huệ Năng lại không bỏ qua dù biết Ngài Huyền Giác đã lìa được đối đãi nên bèn quở trách để khảo sát từ ngọn đến gốc. Nếu phàm tình thì khi nghe lời quở liền xin lỗi và theo phép để lễ chào. Ngược lại, ở đây Ngài Huyền Giác chẳng hề màng đến lời quở của Tổ và không rời mục đích, ấy là đủ biết Ngài đang làm chủ được mình, nếu như sau khi nghe quở liền làm lễ thì lại bỏ chủ theo khách. Thế là Tổ bắt đầu bồi thêm xem đối phương đã thật thấy tánh chưa? Nên liền nói: “Vậy sao chẳng thể nhận cái lý “vô sanh”? thấu rõ cái nghĩa “không chóng”” (Hà bất thế thủ vô sanh ?. liễu vô tốc hồ ? ).

Câu nói này Tổ muốn khai thị cho Ngài Huyền Giác cái nguyên lý vô sanh thường còn bất biến. Nó đang bao trùm và chi phối thế giới hiện tượng, sao không nhận lấy nó mà còn nói có không chóng chầy.

Nguyên lý này là tự tánh. Ở đây Tổ đã dùng chữ THỂ để chỉ cho tự tánh ấy còn chữ LIỄU để chỉ cho cái dụng của tự tánh đó tức là trí. Nếu đã thấy tánh rồi thì tánh tức là dụng - là trí khởi dụng bằng trí quán chiếu vào hiện tượng sống chết thì sự sống chết chỉ là ảo tưởng, danh sắc. Vậy sao Ngài Huyền Giác lo gì việc lớn nhỏ vô thường. Như vậy, ở đây cho chúng ta biết sự sống chết không phải một quy trình để giải quyết mà chỉ bằng một cái thấy, cái thấy tương đối trong sanh diệt, như chúng ta thì có chết có sống, có chậm có nhanh, nhưng trong cái thấy của Tổ thì khác không có sanh tử. Cái khác đó tức là TRI KIẾN PHẬT.

Ngài Huyền Giác đã nhận lãnh trọn ý khai thị của Tổ rồi. Tuy nhiên để chứng tỏ chỗ ngộ của mình còn sâu hơn nữa nên liền buông lời: “Thể tức vô sanh, liễu bổn vô tốc” (Thể tức vô sanh, thấu vốn không chóng). Thể là tự tánh mà tự tánh thì làm gì có sanh diệt tức thường hằng trụ ngoài thời gian.“Liễu bổn vô tốc” (thấu vốn không chóng) tức là sanh tử vốn nó không có thực. Khi chúng ta nhìn thấy rõ hiện tượng sanh diệt của các pháp rồi thì tất cả đều rỗng rang có gì đâu mà gọi mau chậm, trước sau. Ở đây là NGỘ TRI KIẾN PHẬT.

Tổ liền ấn chứng cho Ngài Huyền Giác: “Thật ông đã ngộ được Tri kiến Phật” và Ngài Huyền Giác làm lễ ra về rồi từ đó nhiếp tâm tinh tấn không ngừng nghỉ.

IV. LỜI KẾT:
Với thời gian mà trình bày đề tài này cùng quý vị hôm nay thì quá hạn hẹp mà đạo lý thì vô biên nên mong đại chúng lãnh hội một suy ra để nhận thức mười và hoài bảo mong quý vị nhận được TRI KIẾN PHẬT của mình.

Trước khi kết thúc bài giảng chúng ta ôn lại 2 bài kệ của Ngài Thần Tú và Tổ Huệ Năng để so sánh về sự ngộ Tri kiến Phật.

ngo_tri_kien_phat

Phàm luận về phân biệt có 3 thứ:
1- Một là do các giác quan sơ sanh tùy theo bản năng mà phân biệt.
2- Hai là do ý thức so sánh cân nhắc mà phân biệt.
3- Ba là chân tâm ứng với ngoại vật, như kiếng chiếu hình tỏ rõ phân biệt.

Giác quan và ý thức phân biệt là vọng chân tâm ứng với ngoại cảnh tỏ rõ thường biết, tuy tợ như phân biệt mà thật ra chẳng phải phân biệt. Đó là TRI KIẾN PHẬT.

Cầu chư Phật gia hộ Đại chúng luôn an lạc tinh tấn.

Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát.

BAN HOẰNG PHÁP.

HỒI HƯỚNG
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh, 
Đều trọn thành Phật đạo.

Bài viết liên quan