CON ĐƯỜNG BỒ TÁT ĐẠO
I. KHÁI NIỆM CHUNG:
Nói đến Bồ tát tức chúng ta liên tưởng đến những gì thánh thiện chứa đựng năng lực từ bi và trí tuệ. Năng lực này được xuất hiện cả hai giới phàm và thánh, nên Bồ tát cũng được hiện tướng tại gia và xuất gia, tại gia hay xuất gia gì cũng chỉ là phép đối đãi cho nên trong tâm Bồ tát thì không có phân biệt hình tướng, ngay cả tâm niệm chấp là phàm hay thánh cũng không có. Bồ tát không trụ tâm vào sự đối đãi đó mới bắt đầu theo thứ lớp để viên mãn đức tánh từ bi và trí tuệ.
Bồ tát phạn ngữ dịch là Bodhi-satta (Bodhi-satva), Hán dịch là Đạo chúng sanh – giác hữu tình, nói rõ là hữu tình giác và giác hữu tình (tự lợi và lợi tha) nghĩa là Bồ tát khởi điểm tu hành từ một chúng sanh như trăm ngàn chúng sanh khác nhưng giác ngộ được chân lý về nhân sanh vũ trụ mà cầu thoát ly sanh tử nên gọi là hữu tình giác (1 chúng sanh được giác ngộ). Sau khi giác ngộ các Ngài lại phát nguyện giúp cho mọi người được giác ngộ như Ngài nên gọi là giác hữu tình. Con đường tự giác, giác tha của Bồ tát khởi điểm từ trí tuệ và đại bi tâm, nên Bồ tát phải quán triệt được các pháp thiện-ác, thật-giả. Sự quán chiếu này sẽ giúp Bồ tát từng bước tiến đến trí tuệviên mãn. Tâm đai bi của Bồ tát cũng được tăng trưởng theo nhiên liệu tình thương đối với chúng sanh nên Bồ tát cũng phải khởi đại bi tâm cứu vớt chúng sanh để được viên mãn tâm vô lượng.
Tinh thần đó được kinh điển Đại thừa nói rất rõ “Các loại chúng sanh là cõi Phật của Bồ tát, Bồ tát tùy theo chúng sanh được hóa độ, tùy theo chúng sanh được điều phục, tùy theo chúng sanh thích hợp cõi nước thế nào để vào trí tuệ Phật v.v…” (chúng sanh chư loại thị Bồ tát Phật độ, Bồ tát tùy sở hóa chúng sanh như thủ Phật độ, tùy chư chúng sinh vi dĩ hà quốc nhập Phật trí tuệ như thủ Phật độ) (trích trong kinh Duy Ma). Như vậy, chúng ta thấy bồ tát thành lập tịnh độ là vì căn cơ và nhu cầu của chúng sanh chứ không phải cho chính mình, nhưng bên cạnh đó cũng nói thêm rằng “Bồ tát thủ vi tịnh quốc giai vi nhiêu ích chúng sanh” (Bồ tát lay công hạnh làm lợi ích cho chúng sanh để thành tựu quốc độ, tách rời chúng sanh thì không có quốc độ để thành tựu). Vậy chúng ta phải ý thức thêm rằng trong lợi tha đã có tự lợi, nên Bồ tát không mệt mỏi trong tâm hạnh lợi ích chúng sanh. Ở đây chúng ta nhìn qua bản môn kinh Pháp Hoa, Bồ tát được biểu trưng qua muôn hạnh, hay nhiều hình tướng để tùy thuận đưa chúng sanh về quốc độ thanh tịnh và tinh thần đó được hình thành Diệu pháp dung thông không ngăn ngại.
Tuy nhiên, tùy thuận chúng sanh nhưng sợ e chúng sanh nhầm lẫn, rồi tùy theo luôn những tật xấu của chúng nên Bồ tát cũng phải lập phép điều kiện để tu và độ chúng sanh. Trong khi tu và độ chúng sanh thì công hạnh và sự giáo hóa có đẳng cấp sai biệt, nhưng khi viên mãn thì đồng nhất thể.
II. SƠ LƯỢC ĐẲNG CẤP VÀ CÔNG HẠNH CỦA BỒ TÁT (Theo kinh Bồ Tát Địa Trì phẩm Bồ Tát Công Đức nói có 10 loại Bồ tát)
1. Chủng tánh Bồ tát: tất cả chúng sanh trong tâm đều sẵn có đủ hạt giống thánh thiện, hạt giống đó được gọi là chủng tánh Bồ tát.
2. Nhập đạo Bồ tát: tức bước đầu phát tâm tu học.
3. Vị tịnh Bồ tát: đã phát tâm tu học nhưng chưa được tịnh tâm.
4. Tịnh địa Bồ tát: tu học đã được phần tịnh tâm địa.
5. Vi thục tịnh Bồ tát: đã được tịnh nhưng chưa được rốt ráo.
6. Thục tịnh Bồ tát: đã được sự tịnh tâm rốt ráo không còn bị hoàn cảnh chi phối.
7. Vị định Bồ tát: tâm Bồ tát đã được thanh tịnh nhưng chưa đi vào đại định được.
8. Định thục Bồ tát: tu hành đến chỗ nhập sâu trong chánh định.
9. Nhứt sanh Bồ tát: Bồ tát công hạnh đã sắp viên mãn khi bỏ báo thân này sẽ theo thứ lớp chứng quả Vô thượng Bồ đề.
10. Tối hậu thân Bồ tát: tức tự giác, giác tha đã viên mãn ngay trong đời này sẽ đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức quả vị Phật.
Theo Đại thừa Thiên Thai tông thì ngôi vị Bồ tát lập thành 52 quả vị và chia thành 7 bậc. Trong 7 bậc lại chia thành 2 hạng phàm và thánh. Phàm thánh mỗi hạng lại chia làm 2 loại nữa(theo biểu đồ dưới đây):
Như vậy chúng ta thấy Bồ tát khi phát tâm tu tập cho đến đắc thành chánh quả thì phải trãi qua 52 quả vị, 52 quả vị đó trong kinh Hoa Nghiêm biểu trưng bằng 52 vị thiện tri thức để chuyển hóa tâm chúng sanh phàm tình trở thành 1 vị Phật toàn năng toàng giác. (xem chú thích về thứ bậc 52 quả vị Bồ tác ơ cuối bài giảng)
Khi Bồ tát mang ý tưởng xác lập tịnh độ trong tâm nhưng chưa thuần thục thì được gọi là tân phát ý, trãi qua quá trình nguyên tắc đẳng cấp Bồ tát đã trau dồi thân tâm nhuần nhuyễn thì được gọi là Bồ tát bất thối chuyển hay Bồ tát ma-ha-tát (Đại Bồ tát). Giai đoạn này Phật dạy Bồ tát nương vào 6 pháp Ba la mật (lục độ) để trang nghiêm quốc độ và tùy thuận độ chúng sanh, sáu pháp này trong Phật pháp gọi là pháp tu của Bồ tát.
1 - Bố thí. 2 - Trì giới. 3 - Nhẫn nhục.
4 - Tinh tấn. 5 - Thiền định. 6 - Trí tuệ.
1) Bố thí:
Để thực thi tinh thần tự lợi và lợi tha bước khởi đầu cuả Bồ tát là tu hạnh bố thí. Bố thí có 3 loại:
1- Tài thí 2- Pháp thí 3- Vô úy thí
* Tài thí: có nội tài (về công hạnh) và ngoại tài (về vật chất).
* Pháp thí: Bồ tát hay khởi dụng ứng hóa thân tùy theo căn tánh và điều kiện hoặc nói việc mình hoặc nói việc người làm cho chúng sanh khởi sanh thiện pháp quy kính Tam bảo để phát tâm tu hành xa lìa khổ đau.
* Vô úy thí: (bố thí sự không sợ sệt) Bồ tát nhìn được chúng sanh trong tam giới luôn hiện ra từng lo sợ khi nhỏ thì sợ la rầy đánh đập, khi tráng kiện thì sợ thiếu ăn thiếu mặc, thiếu công danh sự nghiệp, khi lớn tuổi thì sợ già sợ bệnh, sợ chết v.v… Ngoài ra còn biết bao nhiêu điều sợ như giặc giã loạn ly, trộm cướp v.v… thôi thúc từ đại bi tâm mà Bồ tát phải lặn lội trong sanh tử cùng chúng sanh để tìm cách chỉ dạy cho chúng sanh nhận rõ được pháp khổ pháp vui, vô thường, nguy biến để tâm chúng sanh được bình tĩnh an vui trước sự thay đổi sanh trụ dị diệt mà không còn lo sợ nữa, không sợ thì an vui tự tại tức Bồ tát đã ban vô úy thí cho chúng sanh.
2) Trì giới:
Như chúng ta nhìn qua thế gian pháp, bất cứ một quốc gia hay xã hội đoàn thể nào cũng phải có luật lệ, kỷ cương thì quốc gia, đoàn thể đó mới ổn định và phát triển mạnh được. Ngược lại, không có luật lệ kỷ cương thì quốc gia, đoàn thể đó trở thành ô hợp, bại hoại không phát triển được. Do đó, Phật pháp bất ly thế gian pháp, Bồ tát khởi tâm đại bi bắc nhịp cầu nối chúng sanh tức đã thành lập quốc độ, muốn quốc độ trở thành tịnh độ nên Bồ tát phải nghiêm trì và dạy chúng sanh giới luật để trang nghiêm tịnh độ.
Về giới luật Phật chế cho chúng sanh tu hành thì đồng nhau, nhưng có sai biệt là do căn cơ chúng sanh không đồng nên giới pháp cũng không đồng như:
- Phật tử tại gia: 5 giới.
- Xuất gia: Sa di thọ 10 giới.
Tỳ kheo thọ 250 giới.
Tỳ kheo ni thọ 348 giới.
Riêng tâm hạnh Bồ tát là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Nếu nói lý tưởng cầu Phật đạo thì không thể không có tâm tôn trọng pháp bảo (giới luật Phật dạy tiến tu hành từ thấp đến cao), nhưng về phương diện hóa độ chúng sanh thì Bồ tát phải tích cực nhiêu ích chúng sanh. Nếu Bồ tát không đem tâm rộng lớn để độ chúng sanh thì sẽ phạm. Trong kinh Pháp Hoa nói:
Hán văn:
Nhược dĩ tiểu thừa hóa,
Ngã tất đọa san tham,
Thử sự vị bất khả.
Dịch :
Nếu đem tiểu thừa độ,
Thời ta đọa san tham,
Việc này là không được.
Cho nên, Bồ tát phải hành Tam tụ giới:
1 - Nhiếp luật nghi giới.
2 - Nhiếp thiện pháp giới.
3 - Nhiêu ích hữu tình giới.
1 - Nhiếp luật nghi giới: tức Bồ tát phải tự độ mình, phải tuân thủ giới luật đã thọ để trưởng dưỡng pháp thân huệ mạng, không làm bất cứ 1 việc gì tạo nghiệp và gieo nhân xấu.
2 - Nhiếp thiện pháp giới: tức Bồ tát phải phát huy các hạnh lành, tô điểm trang nghiêm thêm cho quốc độ, chánh báo y báo đầy đủ mới có năng lực nhiếp nạp cứu độ chúng sanh.
3 - Nhiêu ích hữu tình giới: (làm lợi ích cho chúng hữu tình) khi Bồ tát đã biết tự độ và đã trang bị cho mình thiện pháp đầy đủ thì bắt đầu làm lợi ích chúng sanh. Vì làm lợi ích cho chúng sanh mà tâm không mệt mỏi, nên trong kinh Pháp Hoa nói: “người chưa được độ rồi sẽ được độ, người chưa an rồi sẽ được an, người chưa chứng Niết Bàn rồi sẽ chứng Niết bàn, đời nay và đời sau đều được độ cả v.v…”. Như vậy, Bồ tát độ chúng sanh không còn phụ thuộc vào thời gian hay không gian mà bất cứ quốc độ nào, thời gian nào và phương pháp nào miễn đem lợi ích cho chúng sanh thì đều gọi là giữ gìn giới, ngược lại không giáo hóa chúng sanh tức phạm tam tụ giới. Kinh Bồ tát giới điều 45 có viết “không giáo hóa chúng sanh phạm khinh cấu tội”.
3) Tinh tấn:
Bồ tát trên đường cầu Phật đạo tuy rằng tâm đã nguyện làm Bồ tát nhưng nghiệp chướng nhiều đời vẫn còn, để tự độ mình và dạy đạo chúng sanh nên Bồ tát lập hạnh tinh tấn để sớm viên thành đạo nghiệp.
a - Tinh tấn ngan ngừa các điều ác đang sanh: nghĩa là các điều ác từ trước giờ mình chưa làm đến thì phải tinh tấn đừng để cho nó phát sanh. Ví dụ như từ hồi nào đến giờ mình không sát sanh, hại vật, rượu chè, trộm cắp, dối trá, lăng nhăng v.v… thì Bồ tát không đe cho những điều ác đó phát sanh đem tâm tinh tấn để gìn giữ, thì gọi là tinh tấn ngăn ngừa ác pháp.
b - Tinh tấn diệt cho mau hết sạch các điều ác đã làm: Bồ tát khi đã chuyển tâm giác ngộ thì luôn phải quán sát pháp thiện- ác, thấy những điều ác mình đã lỡ tạo thì phải cố gắng đoạn trừ thì gọi là tinh tấn đoạn trừ ác pháp.
c - Tinh tấn làm cho các điều lành phát sanh: Bồ tát không những ngăn ngừa và diệt đoạn ác pháp mà phải nỗ lực tinh tấn để phát sanh thiện pháp, bất cứ việc gì lợi mình lợi người mà từ trước giờ Bồ tát chưa làm thì phải tìm cách làm cho các điều lành được phát sanh thì được gọi là tinh tấn phát sanh thiện pháp.
d - Tinh tấn làm cho các điều lành được tăng trưởng: khi Bồ tát đã khởi tâm sanh ra thiện pháp thì phải cần tinh tấn làm cho nó tăng trưởng hơn, mỗi ngày một lớn lên, dù có chịu đựng nhiều cản trở cho đến khi phải ra vào sanh tử nhiều đời Bồ tát cũng phải tinh tấn cho đến ngày viên mãn công hạnh tự lợi và lợi tha.
4) Nhẫn nhục:
Đức Phật thấy được chúng sanh đầy rẫy sân hận, nên dạy phải tu pháp nhẫn nhục để hóa giải tam sân hận. Trong kinh Hoa nghiêm có nói “Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai” (một niệm lòng sân nổi dậy thì trăm ngàn muôn ức cửa nghiệp chướng mở ra), rồi lại nói thêm “Nhứt sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi lâm” (một niệm sân khởi lên là đốt sạch cả rừng công đức). Trong Trí Độ Luận có ghi câu chuyện: Có 1 vị Tỳ kheo tu đến định tứ thiền cho đó là cảnh giới Niết bàn nên không tinh tấn hơn nữa, đến khi ông mạng chung, thân trung ấm Tứ thiền hiện ra, ông ta liền nổi sân cho rằng đức Phật nói gạt có cảnh Niết bàn nên sân tâm khởi lên, thân trung ấm địa ngục hiện đến và dẫn ông ta vào địa ngục A tỳ, do đó bất cứ chúng sanh nào phát tâm tu tập thì phải tu hạnh nhẫn nhục. Bồ tát cũng phải tu hạnh nhẫn nhục để độ mình và giáo hóa chúng sanh.
Nhẫn nhục có 3 điều thân, khẩu, ý. Trong 3 điều ý là quan trọng nhất, đôi khi thân chịu đựng được các nghịch cảnh cực hình, miệng tuy không phát ra những lời ác, nguyền rủa v.v… nhưng ý vẫn ngấm ngầm phản đối và tức giận vẫn đốt cháy tim gan.
Kinh Pháp Hoa nói tam giới bất an dụ như nhà lửa (ba cõi không an ví như nhà lửa). Vậy Bồ tát phải trang bị cho mình một sức nhẫn nhục để tự mình và đưa chúng sanh ra khỏi nhà lửa nên phải hành pháp nhẫn nhục, đến lúc quy thuận chúng sanh trở về quốc độ thanh tịnh tức Bồ tát đã thành tựu tâm hành nhẫn nhục ba la mật.
5) Thiền định ba la mật:
Pháp tu kế tiếp của Bồ tát là thiền định. Ở trước đã bố thí, trì giới tinh tấn nhẫn nhục, tất cả các pháp này muốn đạt đến rốt ráo thì Bồ tát phải quán chiếu tinh vi để nhận được chân lý. Quán chiếu nhận chân được thật tướng của các pháp gọi là thiền, an trú không bị những tác động của các pháp thì gọi là định. Từ đó chúng ta hiểu thiền định có sâu có cạn, tùy theo công năng tu tập của chúng ta để đạt được. Nói về thiền thì rất nhiều từng pháp thực hành khác nhau nhưng ở đây chúng ta ý thức rằng Bồ tát khởi nguyện độ sanh, tất cả công hạnh sự giáo hóa chúng sanh phải là từ tự tánh khởi dụng trăm ngàn phương tiện. Chớ Bồ tát an trú vào thiền định ba la mật thì không hề thấy mình có tu và có độ sanh, đạt được vậy thì Bồ tát thành tựu đươc thiền định ba la mật.
6) Trí tuệ ba la mật:
Chúng sanh trong tam giới bởi khổ đau sanh tử là do ngu si, vì ngu si nên niềm tin sai lạc không chọn đúng hướng đi, thế rồi chồng chất đau khổ trong lục đạo chúng sanh, nên trong kinh đức Phật dạy si là gốc của muôn tội lỗi, trí tuệ là gốc của muôn hạnh lành. Vậy chỉ có trí tuệ mới giúp chúng ta tăng trưởng hạnh lành gieo nhân giải thoát an vui, thiếu trí tuệ là vô minh sẽ dẫn đường. Bồ tát cũng phải nương vào trí tuệ để làm hướng đi tự độ và độ tha. Trí tuệ nói ở đây là nói về đạo Phật chứ không phải nói về thế trí, tức là trí tuệ do công năng tu tập mà có được, trong nhà Phật gọi là trí vô sư. Còn cái để học mà biết đó là trí hữu sư. Chúng ta có thể định nghĩa sơ qua, trí có nghĩa là quyết đoán, tuệ có nghĩa là giản trạch – còn cách khác tri là biết tục đế, huệ là giải thông về chơn đế. Như vậy, chuyển tục đế về chơn đế thì được trí tuệ ba la mật. Trí là thể tánh sáng suốt trong sạch, huệ là cai diệu dụng xét soi tự tại, 2 cái tuy khác nhưng chỉ là một vì có tự tại diệu dụng mới trong sạch sáng suốt được-ngược lại sự trong sạch sáng suốt muốn soi xét tự tại được nên cả hai gọi chung là trí tuệ”.
Tuy nhiên trên sự hình thành viên mãn thì trí tuệ được chia 2 loại:
Căn bản trí: căn bản trí là nói vô giác tánh minh diệu mà một chúng sanh đều sẵn có nhưng vì vô minh phiền não che lắp nên chưa phát chiếu ra được. Có thể so sánh như kim loại quý báu (vàng) đang ở trong khoáng chất lẫn lộn với đất đá chưa lọc ra được.
Hậu đắc trí: là trí tuệ có được nhờ vào công phu tu tập thiền định, như vàng được lọc từ khoáng chất không còn lẫn lộn đất đá bụi bậm nữa (phiền não vô minh).
Theo duy thức học thì khi người tu hành đạt được hậu đắc trí thì chuyển 8 thức thành 4 trí:
1 - Năm thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) chuyển thành thành sở tác trí (trí có năng lực nhận thức các pháp).
2 - Thức thứ sáu (ý thức) biến thành diệu quan sát trí (trí có năng lực quan sát thâm diệu về thật tướng của các pháp).
3 - Thức thứ bảy (mạt na thức) biến thành bình đẳng tánh trí (trí nhận thức tính cách bình đẳng của các pháp).
4 - Thức thứ tám (a lại da thức) thức này là tác dụng chấp trì chủng tử thiện ác, nên khi đạt đến địa vị vô lậu nó biến thành Đại viên cảnh trí, tâm tư sáng suốt tràn đầy tức là chơn như tự tánh.
Hôm nay chúng ta đã tìm hiểu về con đường Bồ tát đạo trong phạm vi thời gian giới hạn chúng tôi không thể đi sâu vào chi tiết hết được, vì con đường Bồ tát là cả một quá trình nhiều đời nhiều kết biết bao công hạnh, biet bao phương pháp tu tập để tiến đến viên mãn, nhưng chúng ta cũng ý niệm được rằng Bồ tát là thể hiện sự thánh thiện tự lợi, lợi tha và luôn luôn hiện hữu xung quanh ta, hễ ở đâu có tình thương và trí tuệ thì ở đó sẽ có mặt của Bồ tát, không kể người đó là ai, cha mẹ anh em hoặc bằng hữu, hay chính chúng ta khi ý nghĩa, lời nói hành động hợp với đạo lý thì lúc đó là cảnh giới Bồ tát. Tuy nhiên công hạnh này sẽ thể hiện cao thấp qua sự công phu tu tập của quý vị, vị nào tu rốt ráo thì mau viên mãn, còn vị nào lai rai thì đến chậm hơn. Quý vị tinh tấn thì có ngày chúng ta cũng thành tựu như Bồ tát thành tựu.
Nguyện cầu chư Phật, chư Bồ tát gia hộ cho đại chúng luôn an lạc tinh tấn.
Thích Kiến Tuệ.