Khái niệm về Nhơn Thừa

Khái niệm về Nhơn Thừa

Biển khổ mênh mông sóng ngập trời.
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi.
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió.
Cũng là trong biển khổ mà thôi.

Bài học tháng trước chúng ta đã xác định vị trí của một Phật tử khi phát nguyện quy y Tam bảo và con đường tu tập chuyển hóa thân tâm từ khổ đau đến giải thoát, từ phàm đến thánh. Hôm nay chúng ta tìm hiểu thêm về nhân sinh trong vũ trụ để từng bước chúng ta chuyển hóa xây dựng cho mình đứng vững vị trí hoàn thiện trong cõi người trước khi ta bước lên những cảnh giới thánh thiện cao hơn.

Trong kinh đức Phật dạy "Nhứt thiết duy tâm đạo" cho nên chúng ta phải hiểu rằng thế giới vũ trụ bao la đều do tâm chúng ta hình thành và trong tâm của chúng cũng chứa đầy đủ 10 pháp giới. Mười pháp giới đó là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, người, trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật. Khi tâm chúng ta hướng về cảnh giới nào mà có hành vi thích ứng thì chúng ta đang ở cảnh giới đó, phải biết rằng mỗi cảnh giới được hình thành theo tâm niệm và hành động của chúng ta thiện ác khác nhau.

Như: cõi Trời do tu nhân tu thập thiện mà được sanh về. Cõi người do nhân tu ngũ giới mà được. A tu la thì do tâm sân hận nóng nảy hình thành, súc sanh thì do si mê luyến ái làm gốc. Ngạ quỹ thì do tâm keo kiệt, bỏn sẻn mà có. Còn địa ngục thì do nhân thập ác và ngũ nghịch tội mà sanh vào.

Trong 10 pháp giới có 4 cõi thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. Bốn cõi này không còn sanh tử và khổ đau. Sáu cõi còn lại thì xoay vần sanh tử, trong sáu cõi này cõi người là dễ phát tâm tu hành, còn 5 cõi kia mỗi cõi đều có chướng ngại riêng khó khởi được đạo tâm. Như cõi Trời do hưởng nhiều phước báu say đắm trong dục lạc nên không khởi đạo tâm tu hành, đến khi hết phước cũng phải đọa xuống cõi người lại. Cõi A tu la thì tâm luôn nóng nảy, sân hận nên không thực hành giáo pháp được. Súc sanh thì ngu dốt si mê nên không biết giáo pháp thiện ác để tu hành. Thế giới ngạ quỹ thì tâm tham làm bỏn xẻn che mất trí tuệ nên không biết đến giáo pháp, còn cõi địa ngục thì tối tăm đọa đày đau khổ, sanh diệt liên tục nên không tu hành được. Nhưng thế giới loài người cũng có nhiều cõi, mỗi cõi tuổi thọ và hình thái sinh hoạt cũng tùy theo phước báu khác nhau, trong nhiều cõi đó có 4 cõi chính gọi là 4 châu thiên hạ.

1- Bắc cu lô châu (Uất Đan Việt) Uttarakura
2- Nam Thiệm Bộ Châu (Diêm Phù Đề) Yambudvipa
3- Tây ngưu hóa châu (Cồ -Da-N) Godana
4- Đông Thắng Thần Châu (Phất Bà Đề) videha.

1. Bắc Cu Lô Châu ở phía Bắc núi Tu Di, cõi này bình đẳng không chênh lệch người giàu, kẻ nghèo, người xấu kẻ đẹp, tuổi thọ đến 1.000 tuổi.
2. Nam Thiệm Bộ Châu, nằm phái Nam núi Tu Di là trái đất chúng ta, cõi này có nhiều người tu hành nên đức Phật giáng sinh ở đây (tuổi thọ chỉ 100 tuổi trở xuống).
3. Tây Ngưu Hóa Châu, nằm phía Tây núi Tu Di, loài người ở châu này nuôi rất nhiều trâu ngựa và họ trao đổi mua bán bằng trâu ngựa, thọ mạng từ 200 tuổi trở xuống.
4. Đông Thắng Thần Châu, nằm phía Đông của núi Tu Di, loài người châu này tướng mạo rất đẹp, tuổi thọ 300 tuổi trở xuống.

Sanh vào cảnh giới loài người ở cõi nào đi nữa nhưng con người đều thụ hưởng hay chi phối qua lại trong 10 điều chính xấu hay tốt.

Trong 10 điều tốt hay xấu này đức Phật cho chúng ta biết do 5 điều mà có, nên đức Phật nhắc chúng sanh muốn hoàn thành 1 con người toàn vẹn thì phải giữ gìn 5 điều, đó gọi là ngũ giới.

I. GIỚI THỨ NHẤTKHÔNG SÁT SANH
•    Lý do đức Phật cấm sát sanh:
1- Tôn trọng sự sống của chúng sanh.
2- Tôn trọng Phật tánh bình đẳng trong mỗi chúng sanh.
3- Nuôi dưỡng lòng từ bi.
4- Tránh nhân quả báo ứng oán thù.
Người không sát nhân hại vật sẽ được an vui, khỏe mạnh, không bệnh tật, tuổi thọ sống lâu không chịu cảnh chết chóc chiến tranh đau khổ, cho nên Tổ xưa dạy:
Hết thảy chúng sanh không nghiệp sát
Mười phương nào có nổi đao binh
Mỗi nhà mỗi chốn đều tu thiện
Lo chi thiên hạ chẳng thái bình.

II. GIỚI THỨ HAIKHÔNG TRỘM CẮP
•    Lý do đức Phật dạy không trộm cắp:
1- Tôn trọng công bằng, của mình thì giữ mà đi lấy của người, không làm mà đòi hưởng.
2- Ngăn chặn tâm tham, nuôi dưỡng lòng từ bi.
3- Tránh nghiệp báo oán thù.
Người không trộm cướp sẽ được an ổn danh dự hiển vinh, góp phần bình định xã hội, đời đời không bị mất mát của cải, được hưởng phước giàu sang phú quý, cho nên Tổ xưa dạy:
Khoét vách xoi tường chí những đâu.
Ngàn mưu trăm kế luống tham cầu
Của người đời nay ta lấy được
Đời sau thân trả kiếp ngựa trâu.

III. GIỚI THỨ BAKHÔNG TÀ HẠNH
•    Lý do đức Phật dạy cấm tà hạnh:
1- Tôn trọng sự công bình, mình muốn gia đình mình được an vui đầm ấm, chồng vợ mình được đoan chánh mà mình lại đi phá hạnh phúc của người khác.
2- Bảo vệ hạnh phúc gia đình.
3- Tránh được oán thù và quả báo xấu xa.
Người không tà hạnh sẽ được thân hình đoan chánh, người đời kính trọng không cười chê, không bị phiền lụy quấy nhiễu được tình yêu chung thủy và hạnh phúc.

IV. GIỚI THỨ TƯKHÔNG VỌNG NGỮ
•    Đức Phật dạy không được vọng ngữ vì lý do:
1- Tôn trọng sự thật vì đạo Phật là đạo chân thật.
2- Nuôi dưỡng lòng từ bi không làm người khác đau khổ.
3- Giữ uy tín trong gia đình và xã hội.
4- Tránh nghiệp quả khổ đau trong đời hiện tại và về sau.
Người không vọng ngữ thì được mọi người tin cậy, thương yêu giúp đỡ, không oán hận thù hiềm, thân tâm an ổn, hạnh phúc, an vui. Cho nên trong luật dạy “Phù sĩ xử thế phủ tại khâu trung”, sở dĩ trăm thân do lời ác ngôn (ở đời búa bén nằm trong miệng sở dĩ tự giết mình cũng do lời nói ác.

V. GIỚI THỨ NĂMKHÔNG ĂN UỐNG CHẤT SAY
•    Lý do Đức Phật dạy không muốn cho đệ tử không ăn uống chất say:
- Ngăn ngừa phát sinh tội lỗi.
- Tránh được những điều xấu sau:
1. Của cải rơi mất.
2. Tăng trưởng lòng giết hại.
3. Trí tuệ kém dần.
4. Thân thêm bệnh tật.
5. Tâm thêm sân hận, khổ đau.
6. Phúc đức tiêu mòn.
7. Sự nghiệp không thành.
8. Lâm chung đọa địa ngục.
Người không ăn uống những chất say sẽ tránh được các điều xấu trên, cuộc đời hiện tại hạnh phúc, an vui, đời sau trí tuệ sáng suốt, căn lành tăng trưởng.

Vậy sự tu tập của chúng ta là để chuyển hóa cho mình từ cảnh giới sanh tử khổ đau đến cảnh giới giải thoát an vui và ngược lại nếu chúng ta tạo nhiều hành vi tư tưởng xấu thì tự đưa mình xuống những cảnh giới đọa đày đau khổ.

Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho quý Hành giả luôn an lạc, tinh tấn.

BAN HOẰNG PHÁP

Bài viết liên quan