KHAI TRI KIẾN PHẬT
I. DẪN NHẬP:
Người tu Phật mục đích là để đạt đến quả vị như Phật. Do vậy, chúng ta cần phải hiểu thật rõ như thế nào là quả vị Phật, sau đó chúng ta tu học đến vị trí nào gọi là thành tựu quả vị Phật.
Phật nguyên tiếng Phạn gọi là Buddha, Trung hoa dịch là Trí giả, giác giả. Việt Nam dịch là đấng thấy biết hoàn toàn.
TRÍ: Trí nói cho đủ là trí tuệ. Tuệ là năng liễu sáng suốt. Trí là năng quyết đoán mọi việc, nghĩa là nhìn thấy mọi việc một cách thông suốt chắc chắn không sai lầm… Trí tuệ này không phải như trí tuệ của thế gian (thế trí biện thông). Trí tuệ này chuyên nhất nhận thức triệt để về thật tướng của vũ trụ và luận giải về nhân sinh, mọi việc từ nhỏ như vi trần cho đến to lớn bao trùm cả thế giới vũ trụ.
Kỳ thật tâm tánh của tất cả chúng sinh xưa nay thanh tịnh trong sáng đầy đủ hạt giống trí tuệ nhưng vì một niệm bất giác ở kiếp nào đó rồi có vô minh, bị vô minh che lấp nên tự tánh không hiển hiện được ví như mặt nước đang yên lặng trong suốt bỗng có gió thổi gợn nước thành sóng, sanh ra bọt che lấp sự trong sáng của nước. Trong kinh đức Phật gọi đó là thức, thức chỉ cho thất tình (vui, buồn, lo, sợ, thương, ghét, giận dữ) (hỷ, nộ, ưu, úy, ái, ác, dục). Do tác động của vô minh mà có. Vậy chúng ta học Phật pháp mục đích chính là để tìm ra phương pháp đoạn trù vô minh, chuyển thức thành trí.
Nói một cách khác cho dễ hiểu là đem lý trí biện giải để chấm dứt sự xung đột của thất tình. Vì thế người học Phật được ví như người đi tìm khoáng mỏ, trong khoáng mỏ có vàng, còn tu thì giống như đào luyện khoáng thành vàng đem ra sử dụng. Ở điểm này chúng ta lưu ý: Vàng chỉ có trong khoáng, ngoài khoáng, vật thể khác không thể luyện ra vàng được. Vậy thì người học đúng chánh pháp cũng ví như người khai thác được khoáng mỏ, khoáng mỏ luyện ra vàng thì chánh pháp mới có khả năng khai mở trí tuệ thành tựu đạo quả vậy.
II. TÁC ĐỘNG CỦA THỨC:
Như trên đã nói chúng ta do niệm dấy lên rồi theo đó mà phân biệt, chứa nhóm các pháp, rồi theo đó mà phát khởi hiện hành, cứ tương tục mãi như thế theo tập khởi – lục căn tiếp xúc với pháp trần lại sanh ra thức. Thức năng hoạt động, phân biệt pháp trần rồi đón nhận tích lũy thành nhân, nhân thành quả, thế là vòng luân chuyển sanh tử của chúng sanh.
Trong vòng luân chuyển đó tác động của nó gọi là nghiệp, vì do thức phân biệt mà có nghiệp nên gọi là nghiệp thức. Tác động thiện thì quả là thiện, tác động ác thì quả là ác. Nói về chỗ cứu cánh tuyệt đối của đạo thì dù ý niệm thiện hay ác cũng nằm trong pháp sanh diệt giả huyễn cả. Song nói về tương đối trong cõi nhân thiên thì vấn đề nhận ra thiện ác để tạo cho mình một hướng đi thiện nghiệp trong sanh tử là quan trọng. Cho nên chúng ta tu học nếu chưa kiến tánh liễu đạo được thì phải phát huy điều thiện, ngăn ngừa điều ác để bổ sung tốt cho đoạn đường đang đi tới, ví như 1 du khách nếu cuộc hành trình chưa chấm dứt thì phải cần có sức khỏe và phương tiện để đi tiếp.
Đến đây chúng ta tìm hiểu về giác
Giác: Giác có 2 nghĩa: giác sát và giác ngộ.
1) Giác sát:
Tức chỉ cho chúng ta chú ý đến mọi sự như nghiên tầm kinh điển, quan sát mọi việc bằng cái nhìn theo đạo lý, trong thiền ngữ gọi là giác hữu sư (nghĩa là do học hành, quan sát mọi việc mà biết được).
2) Giác ngộ:
Là khi liễu đạt được vạn pháp qua sự giác sát rồi đến giác ngộ nghĩa là trước phải cầu học ở Thầy dạy, nghiên cứu kinh điển quan sát mọi hiện tượng. Sau đó, ứng dụng lý, tinh tấn hành trì liễu đạt chơn tánh. Phương pháp thành Phật duy nhất là chuyển từ thức qua trí. Muốn chuyển thức thành trí thì phải dựa trên nền tảng trí giác, bởi vì chỉ có chánh giác mới trừ được vô minh đang che khuất bổn tánh của chúng ta.
Vô minh có nhiều chướng tùy theo chướng ngại mà có nghĩa rộng hẹp. Theo duy thức luận về chướng thì phân làm hai:
1 - Phiền não chướng.
2 - Sở tri chướng
- Phiền não chướng: từ chấp ngã mà có, tức là tham, sân, si, mạn, nghi, nó thường làm cho thân tâm chúng sanh hữu tình sanh phiền não chướng ngại không đạt đến cảnh giới Niết bàn.
- Sở tri chướng: từ chấp pháp mà sanh ra, sở tri chướng nó che lấp trí tuệ làm chướng ngại không đạt đến quả vị Bồ đề được.
III. GIÁC SÁT VÀ PHƯƠNG PHÁP TU TẬP:
Hành giả hạ thủ công phu giác sát đây là phương pháp thiền quán vượt qua các phương tiện và bao trùm tất cả các pháp môn. Khởi điểm Hành giả phải có một cuộc sống hằng tỉnh thức, sự tỉnh thức đó để đối trị với phiền não chướng.
Trong cuộc sống mất sự giác sát thì phiền não nó sẽ xâm nhập phá hoại và cưỡng đoạt bổn tánh công đức pháp tài của chúng ta, cũng như ở thế gian kẻ cướp đang xông vào nhà để cưỡng đoạt tài bảo trong nhà. Vậy tu theo giác sát được ví như người chủ luôn luôn đề phòng cảnh giác để giữ gìn thì dù những đạo tặc đó có tài giỏi đến đâu cũng khó đột nhập vào nhà được, huống chi là lấy báu vật. Chúng ta năng đối trị với vọng niệm trong tâm, luôn cảnh giác với ngoại cảnh bên ngoài, làm chủ được mình thì phiền não chướng làm sao xâm nhập dẫn dắt mình được nữa. Thánh nhân dạy: “Bất phạ niệm khởi duy khung giác trí” dịch “Chẳng sợ vọng niệm dấy lên, chỉ sợ tỉnh giác chậm”.
1. Giác sát về bản thân:
Xuyên qua sự khai thị của đức Phật chúng ta phải luôn ý thức rằng thân thể chúng ta là hợp thể của danh và sắc. Chúng ta hình thành danh tướng mang sắc diện con người qua yếu tố tinh cha huyết mẹ và thần thức thân trung ấm, được sự vun bón của tứ đại đất, nước, gió, lửa để tăng trưởng và tồn tại. Nhưng điều đáng tiếc, sự tồn tại chỉ được một thời gian nhất định, ngắn ngủi, chúng trôi chảy không ngừng. Khi còn trẻ thì chúng ta muốn được mau lớn nhưng ngược lại đến khi già rồi thì lại muốn thời gian ngừng trôi để được tồn tại lâu hơn, chúng ta muốn mạnh khỏe sống lâu, nhưng sự mong mỏi của chúng ta đều thất vọng. Không ai trong chúng ta, cuộc đời không đau khổ, luôn gặp phải những điều bất toại nguyện, rồi phải chịu sự bức bách của bệnh tật hoặc tai họa và đến chết. Chết là một điều đi ngược sự mong muốn nhưng chúng ta không thể nào tránh được, chẳng qua khác nhau ở chỗ chậm hay nhanh, lành hay dữ theo nghiệp thiện ác của từng cá nhân.
Không một ai trên cuộc đời này có thể cam kết rằng những ước ao về sự sống, sức khỏe được đảm bảo cả, chẳng qua chúng ta từ chối chấp nhận sự thật. Già muốn làm cho trẻ lại, muốn mình sống mãi không chết. Các nhà khoa học đã cố gắng tìm đủ mọi phương pháp đáp ứng lại sự ước ao của con người, tìm cách trì hoãn, kéo dài hoặc cho những người đã chết sống lại, nhưng làm sao được, có chăng uống thuốc chỉ cảm thấy dễ chịu và duy trì một thời gian nhất định rồi cũng phải đau lại và không tránh khỏi được già, bệnh và chết.
Nếu chúng ta gia tâm giác sát về thân tâm chúng ta thì chúng ta không ngạc nhiên khi nhìn thấy những sự kiện được mất hiển nhiên. Ngay trong con người chúng ta đã có trăm ngàn lần đang sanh và đang diệt, sự kiện vỡ toang sanh diệt lớn nhất trong các sanh diệt hiện tại là khi thân này tan rã. Cảm nhận như vậy, chúng ta thấy rằng không có gì là an toàn để trú ẩn cả. Ý thức được vậy, lúc này dù rằng chúng ta chưa có trí tuệ, liễu đạt được đạo lý vô sanh nhưng qua sự giác sát về cuộc sống không có gì bền chắc. Sự giác sát này sẽ giúp bạn tiến sâu lên sự nhận thức, càng nhận thức càng khích lệ bạn giác sát về sự sống cuộc đời một cách tinh tế hơn và hóa giải tâm bạn không còn sợ hãi khi mất thân này.
2. Giác sát về sở hữu:
Cuộc đời chúng ta lại có thêm điểm yếu nữa đó là không có quyền sở hữu.
Điều này nghe qua có vẻ hơi kỳ lạ. Chúng ta ra đời lớn lên với sự cố gắng khôn ngoan, phấn đấu làm việc này rồi đến việc khác kiếm được tiền chúng ta mua sắm dành cất, đó gọi là tài sản của mình. Điều này chúng ta nhìn qua mặt tương đối thì cũng đã nhận ra lẽ thật không nghi ngờ gì nữa, tài sản đó không phải là của ta. Nếu của ta thì ta không bao giờ xa nó, ngược lại nó cũng không thể xa ta được. Nhưng khi nó bị vỡ bể hay mất thì làm sao ta có thể gọi là sở hữu của ta được.
Về mặt tuyệt đối của nó thì khi chúng ta chết không một ai có thể mang theo được. Mọi thứ chúng ta tồn trữ, gom góp được đều phải để lại. Bởi thế chúng ta phải nhận ra tất cả chúng ta đều không có sở hữu. Theo thông thường thì của sở hữu được chia làm 3 loại:
1 - Bất động sản, nhà cửa, đất đai…
2 - Đồ đạc, vàng bạc…
3 - Khả năng kiến thức, mỹ thuật và khoa học…
Cả 3 sở hữu này khi chúng ta còn sống khỏe mạnh thì tài sản, kiến thức đó nó rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng phải có ngày chúng ta sẽ bị mất hết. Chúng ta có thể quên hết tất cả những điều hiểu biết, bạn cũng không thể đủ sức để xài những đồ mà bạn đã từng ưa thích và cuối cùng bạn sẽ bất lực buông tay và lãng quên những gì bạn có về vật chất hay kiến thức, nó không có gì để đem lại sự an toàn cho chúng ta.
Có nhiều người quan niệm gom góp để tài sản lại cho con cháu. Điều này chỉ đúng nếu con cháu chúng ta có đủ phước báo để thừa hưởng trong cuộc đời của chúng nó. Nhưng cũng có thê chúng nó không hưởng được khi nó không đủ phước và lắm lúc tài sản để lại càng đem hoạn nạn đến cho con cháu tranh chấp hơn thua sanh ra thù hận, chia rẽ.
Vậy với cuộc sống hiện hữu chúng ta đang đầy đủ những gì ta đang có, nhưng với sự giác sát nhận thức rằng chúng ta chẳng có một sở hữu gì cả và sự đổi thay mất-được chuyển biến không ngừng. Do sự giác sát nhận thức rõ như vậy thì bạn sẽ tìm được sự an lạc trước đổi thay mất mát khi xảy đến với bạn.
Sự sinh tồn của chúng sanh có 2 điều làm tác động để sanh ra đau khổ. Đó là ngã và sở hữu ngã (ta và của ta). Nó là hạt giống sanh ra tham, sân, si, mạn, nghi (phiền não chướng).
Do vì có Ta nên tìm kiếm sở hữu của ta, tất phải khởi lòng tham. Tìm không được, hoặc thua kém người nên sanh tâm sân, nhưng nếu tìm được nhiều hơn người thì lòng ngã mạn khinh người lại sanh, chạy theo sự mất-được, chìm đắm trong sân hận và sự thỏa mãn khi toại ý, không hề nhận ra lẽ thật của các pháp sanh diệt. Đó là sự si mê.
Chúng ta đem sự quán chiếu giác sát liễu đạt được ta và sở hữu của ta cả 2 đều không thật. Chúng ta năng động trong cuộc sống, phấn đấu làm lợi ích cho xã hội nhân sinh, luôn giác sát để hóa giải được phiền não chướng. (Đó là bước đầu học đạo chúng ta đã tìm thấy sự an lạc trong thế giới sanh diệt khổ đau).
Giác tăng thì phiền não giảm, cứ vậy mãi cho đến khi chúng ta rất nhạy bén trực nhận hiện tượng tâm và pháp tinh tế hơn, càng giác sát tinh tế thì chúng ta càng xa lìa phiền não, trói buộc.
3. Giác sát gia tài chúng ta mang theo:
Chúng ta đã quán chiếu thấy thân là bất tịnh, tâm vô thường, pháp vô ngã, thọ thị khổ, Niết bàn hỷ lạc… Sự nhìn thấy đó không phải ai cũng thực thi được, nhưng có vài thứ mà tất cả chúng ta phải biết và phải làm, vì khi chết phải mang theo. Đó là nghiệp, là kết quả những hành động của chúng ta. Nghiệp xấu và nghiệp tốt sẽ theo ta không rời bước, ta không thể nào xua đuổi nó được dù rằng ta có muốn đi nữa.
Sự tin tưởng và quan tâm về nghiệp đó là gia tài của Hành giả, nó sẽ khiến cho Hành giả nỗ lực tu tập nhiều hơn. Hành giả sẽ hiểu rằng những hành động thiện là căn bản, là vốn đầu tư hạnh phúc trong tương lai và hành động bất thiện sẽ đem lại cho bạn khổ đau trong hiện tại và về sau. Giác sát được như thế Hành giả sẽ hăng say làm nhiều việc thiện phát xuất từ lòng từ ái. Chúng ta sẽ giúp đỡ cho những người mang bệnh, cho những người đau khổ vì thiên tai, cho những người già yếu tàn tật cô đơn và cho những người cần giúp đỡ… Hành giả tạo một xã hội tốt đẹp hơn bằng cách giữ gìn giới luật trong sạch, có lời nói và việc làm hợp với đạo lý. Chúng ta đem lại sự bình an cho mọi người xung quanh bằng cách chế ngự, hóa giải những phiền não đang dâng tràn trong tâm mình. Hành giả nỗ lực giác sát đạt đến trí tuệ để nhận chân được mục đích tối hậu. Tất cả những việc làm trên như: bố thí, cúng dường, giữ gìn giới luật, tu tập… đều sẽ theo bạn sau khi chết như bóng với hình. Bởi thế bạn phải nỗ lực tinh tấn làm các việc lành.
Chúng ta có nghĩ rằng đức Phật không muốn cho chúng ta theo kiến thức và uy tín, hay kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình, dành dụm phòng khi đau ốm và hoạn nạn ? v.v… Không phải vậy, đức Phật Ngài dạy chúng ta: Hãy bằng mọi cách, sử dụng đời sống và sự giác ngộ của mình sống bằng một cách hợp pháp là hướng thiện. Chúng ta hãy tri túc bằng lòng với những gì mình đang có, đừng làm nô lệ cho lòng tham ái của mình, sự tham ái không có lúc nào thỏa mãn được cả, có 1 muốn có 2. Đó là thông điệp của đức Phật. Chúng ta hãy tỉnh thức suy tưởng về kiếp sống này. Thân thể chúng ta đang suy tàn rồi sẽ đi đến bất lực trước những tham ái. Chúng ta hãy tận dụng tuệ giác quán chiếu lẽ thật giúp tâm thoát khỏi sự tham ái đang xâm nhập sai sử. Được vậy Hành giả sẽ an nhiên tự tại trong đời sống hiện tại và mang theo kho tàng tuệ giác dù rằng bạn không bao giờ nghĩ đến là mình sẽ được.
4. Giác ngộ phương pháp tu tập:
Công phu giác ngộ là để đối trị sở tri chướng. Nếu người học Phật mà lấy sự hiểu biết thế gian để biện luận về thật tướng của các pháp hay sự hình thành của vũ trụ… thì cái biện luận đó chỉ gây thêm chướng ngại, không thể nào nhìn thấy các cảnh giới khác và thấu đạt thật tướng được. Nếu có đề cập đến thì chỉ nhận định sai lầm. Ví như một người say ngủ tức chẳng biết được các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và cảm giác nhiệt độ nóng-lạnh, những điều trong mộng đều là vọng tưởng điên đảo chẳng phải thật. Chờ khi tỉnh dậy mới phân minh rõ ràng.
Thật vậy, trong tâm chúng ta biết bao điều phân biệt so lường, tính toán. Khi chưa học đạo thì chấp pháp thế gian. Khi vào đạo rồi thì chấp vào Phật pháp. Chưa tu mà đòi chứng, đạt được chút đạo lý thì đòi làm Phật, làm Tổ biến thế sở chấp vô minh hiện hành sanh ra thiên kiến, biên kiến (kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến, tà kiến), rồi vẽ rồng vẽ rắn đem cảnh giới tâm thức dựng lên cho rằng chơn tánh Như Lai. Trong lúc tứ đế chưa thấy, tâm địa chưa thông, thật như lời kinh dạy “Nhược trước thính giả tức thọ quần tà, bất khởi thánh tâm vi tịnh cảnh giới” (Nếu cho mình chứng thánh tức lọt vào tà đạo, không cầu chứng thánh, đắc đạo thì cảnh giới thanh tịnh).
IV. TU GIÁC NGỘ LÀ MỤC ĐÍCH ĐỂ PHÁ VÔ MINH NHỮNG THẦN KIẾN SAI LẦM.
1) Tu giác ngộ thân kiến:
Thế gian chấp thân ngũ ấm tứ đại này là thật. Do chấp sai lầm nên thấy có một cái ta riêng biệt, thế là cả một cuộc đời tìm kiếm những gì mà người đời thỏa mãn để đáp ứng nhu cầu cho nó, như: ăn ngon mặc đẹp; nhà cao cửa rộng; ruộng vườn chức tước, … để thỏa mãn và hãnh diện với mọi người. Chỉ phụng sự cho cái ta ấy mà chúng ta đã tạo ra lắm điều tội lỗi, chà đạp lên trên bao cái ta khác, làm cho họ đau khổ vì ta.
Chúng ta học Phật nhìn bằng trí tuệ thì thân này vốn nó không thật, ra đời nó đẹp-xấu, cao-thấp, mạnh-yếu đều do ảnh hưởng nghiệp về thân ở quá khứ nên gọi là báo thân (cái thân do nghiệp báo hình thành). Dù chúng ta có nhiều tiền bạc cũng không thể mua được sự sống, chẳng qua dùng cách này cách nọ để duy trì thêm một thời gian rồi nó cũng phải mất, chúng ta có ở nhà cao cửa rộng, thân này cũng không tránh được sự già yếu được. Đến khi chúng ta ăn ngon mặc đẹp cũng không xóa được những nếp nhăn càng ngày càng đậm nét trên mặt và mùi hôi từ tế bào da thịt thải ra… Hành giả nhìn được như vậy, giác ngộ được thân này là giả tạm, không chạy theo những việc làm bất chánh để đáp ứng cho nó, mà phải tùy duyên để sống, mượn thân giả huyễn để công phu tìm pháp thân chân thật. Được vậy Hành giả đã giác ngộ thân kiến (nhìn thân này đúng lẽ thật).
2) Tu giác ngộ biên kiến:
Người đời mang nặng 2 cái chấp. Đó là thường kiến và đoạn kiến, dù thường hay đoạn đều nằm ở một bên nên gọi là biên kiến.
Người chấp thường kiến, họ quan niệm rằng khi chết rồi cái ta vẫn tồn tại mãi, người chết sẽ sanh ra người, thú chết sẽ sanh ra thú, thánh nhơn chết sẽ sanh ra thánh nhơn. Do sự chấp đó, nên họ nghĩ “tu cũng vậy, không tu cũng vậy”. Họ không sợ tội lỗi, ác độc, không thích làm thiện tạo phước.
Người chấp theo đoạn kiến cho rằng: “Khi con người chết là hết”, họ không tin nhân quả, tội phước, nên cứ mặc tình làm điều tội lỗi. Cho nên, có người vì bất hạnh khổ đau họ nghĩ chết cho hết, họ đâu ngờ chết rồi vẫn chưa hết, nghiệp quả vẫn tiếp tục phải chịu.
Hành giả chúng ta nhìn bằng trí tuệ rằng: “Vạn pháp do duyên sanh cũng do duyên diệt”, nó sanh diệt liên tục, không có một pháp nào cố định, nó sẽ theo yếu tố nhân duyên để hình thành từ hình thái này qua thể tướng khác. Tu thiện thì có thiện quả, tạo ác thì có ác báo, thánh phàm do tâm chuyển thành, không thường cũng chẳng đoạn. Giác ngộ được như vậy, biên kiến mê lầm tan vỡ, Hành giả phát sanh trí tuệ cao hơn, có một cuộc đời chánh nghiệp, an lạc giải thoát.
3) Tu giác ngộ kiến thủ:
Kiến thủ tức là chấp nhận sự hiểu biết sai lầm của mình rồi cho đó là chỗ cứu cánh, nắm giữ không buông. Đôi lúc biết mình làm như vậy là sai, nói như vậy là dỡ thế nhưng vì tự ái, hay quyền lực rồi cứ bảo thủ cái sai của mình, không chịu thay đổi. Ví dụ như gia đình mình, ông bà lỡ theo tà đạo, ngày nay con cháu vẫn biết đó là tà nhưng vẫn nói liều lĩnh: “Xưa sao nay vậy”, không chịu thay đổi. Hay như cha mẹ trước kia làm nghề tội lỗi, rồi dạy con duy trì nghề nghiệp. Người con biết nghề đó không tốt, làm nghề khác có thể hơn, nhưng vì nghe lời dạy đó nên không chịu thay đổi. Như Việt Nam chúng ta đến giờ này mà một số người vẫn giữ quan niệm: “người chết phải cho họ gạo muối, đốt giấy tiền vàng bạc, phải tế tà thần, ác quỷ…” Những quan niệm này sai lầm mà vẫn cố chấp không chịu đổi thay, đều gọi là kiến thủ.
Hành giả chúng ta phải quán chiếu bằng giác ngộ về thân lẫn tâm, việc làm nào bất thiện đưa đến sự tổn hại cho chúng sanh thì mình sẽ gặt lấy sự đau khổ, tổn hại không sớm thì muộn. Phải hiểu rằng: “Tướng tùng tâm sanh”, thân hiện tướng như thế nào đều do tâm thúc đẩy. Vậy trong tâm Hành giả phải luôn tỉnh thức, bước đầu đừng để tà niệm dẫn dắt chúng ta vào thế giới tội lỗi, sau dùng huệ đó thanh lọc những tạp niệm trong tâm, dần dần tâm được vắng lặng sáng suốt, liễu đạt pháp thiện-ác tinh tế hơn, xa lìa kiến chấp, Hành giả sẽ đạt đến cảnh giới tâm nhẹ nhàng an lạc ngay trong thân tứ đại này.
4) Tu giác ngộ giới cấm thủ:
Giới cấm thủ là nghe theo lời răn cấm của ngoại đạo tà giáo mà điều răn cấm đó thật là vô lý, mê muội, dã man không đưa con người đi đến giải thoát được.
Chẳng hạn như có phái ngoại đạo lấy đá dằn bụng, đứng 1 chân giữa trời nắng, nằm chỗ dơ bẩn, trầm mình dưới nước. Có đạo bắt tín đồ giết vật, tế thần, giết người đủ số lượng mới đắc đạo, những thứ cuồng tín như thế không làm cho cuộc đời sáng sủa mà làm đen tối khổ đau thêm.
Hành giả chúng ta phải giác ngộ rằng “Nếu ngoài tâm cầu Phật tức là tà đạo”. Tâm chúng ta chứa đủ mười pháp giới (Lục phàm tứ thánh). Trong kinh đức Phật đã dạy rất rõ từng phương pháp tu tập để chuyển hóa thân tâm. Chúng ta không thể tin theo lời quyến rũ của tà giáo ngoại đạo làm phá mất chơn tánh viên giác chúng ta sẵn có mà phải luôn lấy trí tuệ quán chiếu chánh tín với Phật pháp. Được như vậy quý Hành giả đã giác ngộ không chấp vào giới cấm thủ, thân tâm an lạc, tự tại từng bước tiến tu cho đến ngày giác ngộ viên mãn.
5) Tu giác ngộ tà kiến:
Tà kiến tức là chấp theo lời tà, khinh chơn chánh, như các chấp trên là tà vì nó trái với sự thật, trái với luật nhân quả. Nói một cách khác, tà kiến tức là mê tín dị đoan, thờ tự và tu tập không đúng chánh pháp, nếu tinh tấn hành pháp tà thì quả xấu sẽ đến. Hành giả chúng ta trí tuệ giác ngộ đặt niềm tin trong chánh pháp, vượt qua những thay đổi biến động của tội phước đến với chúng ta trong cuộc đời này. Hành giả một lòng tin tưởng hành trì chánh pháp. Nhờ sự giác ngộ bạn đã chọn cho mình con đường tâm linh đúng, dù chưa đạt đến chánh quả nhưng tâm bạn đã bớt phần rắc rối, càng tin tưởng chánh pháp tức tà kiến sẽ không đến với bạn, không gây tác động phiền não cho bạn, bạn cảm thấy trong tâm phát sanh sự an lạc. Càng an lạc tâm bạn càng sáng cho đến khi bạn nhận được đạo lý, phá vỡ được vọng kiến sai lầm chứng vào thánh quả Tu đà hoàn.
Như vậy, chúng ta bắt đầu khởi tu từ phương pháp giác sát, đó là công phu của sự giác ngộ. Giác sát càng sâu, sự giác ngộ càng rõ. Mục đích của chúng ta chỉ để đối trị hai chướng (phiền não chướng và sở tri chướng). Diệt được hai chướng trên thì chúng ta khai được nhất thiết trí (trí tuệ nhìn thấy hết mọi việc), nhìn thấy mọi pháp nhưng không bị pháp trói buộc, tách rời ý niệm phân biệt chánh-tà, chứng được đạo chủng trí để khai mở bản tánh đức năng của nhứt thiết chủng trí.
Hành giả theo đó mà hành thì gọi là quả vị A la hán. Nếu làm được vậy còn phát lên tâm nguyện lợi tha giáo hóa chúng sanh thì gọi là đại thừa Bồ tát. Tự hành được, lại năng giáo hóa chúng sanh, khi tự giác giác tha viên mãn tức quả vị Phật.
BAN HOẰNG PHÁP
HỒI HƯỚNG
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đều trọn thành Phật đạo.