THỊ TRI KIẾN PHẬT

THỊ TRI KIẾN PHẬT

I. DẪN NHẬP:
Kỳ học tháng trước chúng ta đã kiến giải được phần KHAI TRI KIẾN PHẬT tức đã nhận thức được giá trị của các pháp đúng như sự thấy biết chính xác của đức Phật nghĩa là các pháp nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, trước sau rốt ráo như vậy. Nhân quả như vậy là thế giới tương đối nhìn theo tướng dụng, từ thế giới tương đối đi đến thể tánh tuyệt đối nên gọi là trước sau rốt ráo như vậy.

II. THỊ TRI KIẾN PHẬT:
THỊ TRI KIẾN PHẬT nghĩa là “chỉ bày tri kiến Phật”, là hướng chúng ta nhìn sự thật của các pháp một cách tuyệt đối để cảm nhận được thật tướng của nó, mà thật tướng của các pháp là vô tướng. Cho nên khi chúng ta nhận ra thật tướng của các pháp rồi thì đạt được vô tướng, đạt cũng là từ ngữ để kiến giải chứ thật ra vô tướng thì có đâu để đạt. Từ phạm trù vô tướng đó đã sanh ra muôn tướng, cho nên nói trong uế có tịnh, trong tịnh có uế, uế tịnh đều do vọng thức phân biệt sanh ra, chứ thật cả hai đều đồng nhứt thể – đó là chỗ “vô tướng”. Chúng sanh mê lầm chỉ nhìn tướng thô của pháp nên mê chấp rồi mất-được khổ đau, thánh nhân nhìn các pháp bằng Tri Kiến Phật thấu đạt bổn thể của pháp, nên không bị sanh diệt chi phối. 

Ví dụ như máy điều hòa không khí (máy lạnh) được làm bằng nguyên liệu vật lý qua hệ thống giao tiếp các cực điện, nếu người bình thường thì không thể biết trong đó tiết ra nước nhưng với người hiểu biết thì họ khẳng định trong các cực điện đó sẽ tạo ra nước. Thực vậy, khi chúng ta khởi động dòng điện 2 cực âm dương hợp lại tạo thành cực nhiệt (nóng), và cuối cùng độ nóng đó chúng đã sanh ra nước và hơi lạnh. Như vậy, lạnh cũng từ trong nóng sanh ra, nói một cách khác là trong nóng có lạnh, trong thể cứng lại có nước. Điều này rất thực tế ai cũng biết còn nhiều vấn đề ví dụ rất cụ thể khác nữa, Quý vị tự ngẫm lấy.

Bây giờ chúng ta tìm hiểu vài đoạn kinh đức Phật đã chỉ bày tri kiến Phật cho chúng ta thấy.

Trong kinh Pháp Hoa phẩm “Hiện Bửu Tháp” thứ 11 đức Phật đã dùng quyền hiển thực chỉ bày tri kiến Phật cho chúng sanh. Kinh nói: “Lúc bấy giờ trước Phật có tháp bằng bảy báu cao năm trăm do tuần ngang rộng hai trăm do tuần từ dưới đất nổi lên trụ ở giữa hư không…”. Ở đây tháp Đa Bảo được biểu trưng cho công đức pháp tài chánh báo quốc độ chư Phật. Đức Phật Đa Bảo ngồi trong tháp bằng bảy báu chính là TRI KIẾN PHẬT. Không có tháp báu thì không có Đa Bảo Phật, do đó chúng ta phải trãi qua một quá trình xây dựng tháp Đa Bảo rồi mới khai mở TRI KIẾN PHẬT, có tháp báu tức có tri kiến Phật. TRI KIẾN PHẬT ở trong tháp báu cả hai đều xuất hiện một lúc cho nên công đức pháp tài càng lớn thì càng dễ nhận ra TRI KIẾN PHẬT. Điều quan trọng ở đây chúng ta thấy tại sao tháp Đa Bảo không ở trên không đi xuống cũng không ở Đông Tây Nam Bắc bay đến mà lại ở dưới đất vọt lên. Chúng ta thấy đất là nơi dơ bẩn nhất chứa tất cả những chất uế tạp từ muôn vật thảy ra, thế mà trong uế tạp đó lại có tháp Đa Bảo trong đó. Ở đây đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy trong lòng đất dơ bẩn đó có tháp Đa Bảo tiềm tàng bên trong. 

Như vậy, với chúng sanh hữu tình như chúng ta thì PHẬT TRI KIẾN nằm ở đâu? Ta xem sự cấu tạo trái đất từ đất nước gió lửa hình thành (tứ đại) còn thân ngũ uẩn chúng ta có nằm ngoài đất nước gió lửa không? Cấu tạo thân ngũ uẩn chúng ta so với sự hình thành trái đất vẫn không khác cũng nương tứ đại mà hình thành. Như vậy, tháp Đa Bảo từ đất vọt lên thì chắc chắn PHẬT TRI KIẾN cũng từ thân ngũ uẩn này mà hiển hiện ra.

III. TRI KIẾN PHẬT BÌNH ĐẲNG:
Cũng trong kinh Pháp Hoa phẩm HIỆN BỬU THÁP 11 qua hình ảnh tháp Đa Bảo mở ra trong tháp lại có Phật Đa Bảo đã thành Phật ở quá khứ đang ngồi trên tòa báu đồng thời mời đức Thích Ca cùng ngồi chung. Ở đây đã chỉ bày rõ cho chúng ta thấy TRI KIẾN PHẬT không lớn không nhỏ, đức Đa Bảo đã thành Phật ở quá khứ, đức Thích Ca thành Phật trong đời hiện tại bình đẳng ngồi chung một pháp tòa rồi đến chư Phật trong vị lai cũng không khác. 

Chúng ta tìm hiểu tiếp trong kinh Pháp Bảo Đàn khi Huệ Năng đến cầu đạo với Tổ Huỳnh Mai. Tổ hỏi ông đến đây cầu điều gì, Huệ Năng đáp chỉ cầu làm Phật chứ không cầu chi khác. Tổ nói tiếp “người là xứ Lãnh Nam lại là giống man rợ, thế nào thành Phật được?”. Huệ Năng đáp “Con người tuy phân biệt Nam Bắc, chứ Phật tánh thì không có Nam hay Bắc”. Cái thân man rợ này đối với Hòa thượng tuy chẳng đồng nhau nhưng cá tánh Phật nào có khác.

Qua đoạn kinh trên đã cho chúng ta thấy rằng người học đạo duy nhất chỉ một mục đích “cầu làm Phật”, ngoài ra không có mục đích gì khác. Ngược lại, ngày nay người học đạo giải thoát mà mấy ai quan tâm đến sự giải thoát, mấy ai đã tin rằng chính trong tâm chúng ta đã có đầy đủ Thánh phàm tội phứớc, mấy ai nhận được Phật tánh mình vốn với chư Phật đồng nhất thể, không thêm bớt, không cấu tịnh. Từ chỗ không tin nhận trong mình có PHẬT TRI KIẾN nên đem tâm khao khát để mong cầu, đem lòng yếu đuối để van xin rồi tác nhân thọ quả muôn kiếp chẳng thoát ly sanh tử được. Ngài Huệ Năng đã nhận được Phật tánh của mình vốn đầy đủ, bình đẳng không khác với chư Phật nên chỉ một lòng cầu làm Phật và đã mạnh dạn thưa trình lên Tổ chỗ thấy của mình là hợp đạo lý. Phật tánh không phân biệt giai cấp và miền xứ, được Tổ ấn chứng là người Thượng căn, thấy được tánh. 

Hôm nay, trong đại chúng pháp hội có người ở thành phố, kẻ ở thôn quê, có người thì giàu có, phần khác thiếu thốn, người thì đẹp đẽ, kẻ thì thiếu sắc… nhưng quý vị trả lời Phật tri kiến có khác nhau không ?.

PHẬT TRI KIẾN bình đẳng không khác nhau chút nào, còn thân đẹp xấu giàu nghèo đó chỉ là phước báu hữu lậu, nay có mai không, đời này được đời sau mất, biến đổi theo hành nghiệp của mình chẳng gì là chắc thật lâu bền cả, còn ai tu thì đều giải thoát giác ngộ như nhau, không hơn không kém nên nói TRI KIẾN PHẬT là bình đẳng.

IV. TRI KIẾN PHẬT BỊ TẬP NGHIỆP CHE LẤP:
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn phẩm Như Lai Tánh đức Phật có thí dụ câu chuyện như sau:

Phật bảo Ca Diếp: “Thiện nam tử ví như nhà vua có đại lực sĩ, trên trán lực sĩ gắn hạt châu kim cương. Lực sĩ này cùng người đánh vật, hột châu kim cương bị đầu kẻ địch đụng lún khuất trong da rồi đó thành viết thương, liền nhờ y sĩ cứu chữa”. Y sĩ tài giỏi xem vết thương biết là do hạt châu lún vào ở khuất dưới da. Y sĩ hỏi lực sĩ “Châu kim cương ở trên trán của ông đâu rồi”. Lực sĩ kinh hãi đáp: “hột châu trên trán của tôi đã mất rồi ư. Nó rơi rớt ở đâu?”. Nói xong lo rầu khóc lóc.

Y sĩ an ủi: “Nay ông chẳng nên buồn khổ. Vì lúc đánh vật hột châu lún vào ở ẩn dưới da, bóng nó hiện ra nơi ngoài. Lúc các ông vật đánh nhau, lòng quá giận tức nên hột châu lún vào trán mà vẫn không hay biết”. 

Lực sĩ chẳng tin lời của y sĩ nghĩ rằng nếu hột châu nằm ở dưới da, máu chảy tuôn cớ sau hột châu chẳng trổi lên. Còn nếu hột châu ở trong gân lẽ ra không thể thấy. Hoặc gã y sĩ gạt gẫm ta chăng?

Bấy giờ y sĩ cầm gương soi trên mặt lực sĩ. Hột châu kim cương hiện ánh sáng, trong gương lực sĩ liền mừng rỡ.

Này thiện nam tử !. Bồ tát và chúng sanh cũng như vậy. Vì không được gần gũi bậc thiện tri thức, dầu có Phật tánh mà không nhận thấy bị tham, thân, si che lắp vì thế nên đọa địa ngục, súc sanh ngã quỷ, A tu la, chiên đà la, sát đế lợi, bà la môn, tỳ xá, thủ đà, sanh vào trong các hàng đó nhơn tâm tưởng mà gây ra các thứ nghiệp duyên đều được thân người nhưng phải điếc, đui, câm, ngọng, què, thọt… thọ các quả báo trong 25 cõi vì tham sân si che lấp bổn tâm nên chẳng biết Phật tánh như lực sĩ kia hột châu vẫn ở trong thân mà hô đã mất.

Đoạn kinh này đức Phật dụ chúng ta giống như người lực sĩ vì ham chiến đấu nên không biết được viên minh châu đã bị lún vào da thịt. Tâm chúng sanh đang đối đấu với những tham cầu phiền não, những ý niệm đảo điên càng ngày càng mạnh, một trận đáu kéo dài từ đời này qua kiếp khác, ở thế trận này chưa xong, đã dàn trận địa khác. Tất cả chỉ vì lòng tham muốn của tự ngã mà tìm kiếm sở hữu ngã. Từ đó tâm tham sân si đã che đậy tri kiến Phật rồi nghiệp lực dẫn dắt phải đọa vào lục đạo chúng sanh, chứ thật tri kiến Phật vẫn không mất. Một chúng sanh ở địa ngục Phật tri kiến so với cõi trời hay Bồ tát Phật vẫn không hơn kém.

Y sĩ trong kinh được ví như bậc thiện tri thức hay đem ánh sáng trí tuệ để dạy chúng sanh nhận ra viên minh châu sẵn có của mình khi chúng sanh tin nhận lời dạy đó của thiện tri thức thì nương theo đó mà cảm nhận thấy biết tri kiến Phật của mình, như anh lực sĩ kia nương vào ánh sáng gương chiếu của người y sĩ mà nhận ra được hột châu kim cương và ngạc nhiên biết của quý mình vẫn còn, lúc đó sanh tâm vui mừng hoan hỷ.

V. ĐỨC PHẬT CHỈ BÀY TRI KIẾN PHẬT:
Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật có dạy “lòng tin là mẹ sanh ra các công đức, lòng tin khởi đầu cho các hạnh lành”. Vì vậy, Hành giả bước đầu phải có niềm tin, tin nhân quả, tin tội phước và tin mình có tri kiến Phật nhưng đang bị tập nghiệp nhiều đời và vọng thức phiền não đang che lắp. Xác định niềm tin rồi Hành giả bắt đầu học pháp và tu, càng tu thì Hành giả sẽ tăng trưởng niềm tin vững chắc hơn. Có một số người họ quy y Tam Bảo và một thời gian rồi lại bỏ chùa. Hạng người này niềm tin ban đầu có nhưng rất cạn, khi quy y xong không chịu tu học nên không tăng trưởng đạo tâm. Ngược lại, niềm tin đã bị mất rồi thì tâm tham dục sẽ xui khiến chúng ta làm điều tội lỗi, càng làm nhiều tội lỗi thì càng đọa đày khổ đau, tâm niệm khổ đau lo toan phiền não là làm keo phủ che TRI KIẾN PHẬT của bạn. Chúng ta đã tin rằng PHẬT TRI KIẾN ở ngay trong thân ngũ uẩn này thì chúng ta không thể tìm bất kỳ một nơi nào khác. Chúng ta đừng lầm tưởng rằng PHẬT TRI KIẾN là một vật gì đem ra để trưng bày xem ngắm hay phải tìm kiếm ở một nơi nào đó đem về mà tri kiến Phật sẽ được thể hiện ở chính thân, khẩu, ý của bạn. Lời nói, việc làm ý nghĩa hợp với đạo lý đó là TRI KIẾN PHẬT.

Như thế nào để hợp với đạo lý: Thân luôn làm chánh nghiệp, không có hành động sát, đạo, dâm làm tổn hại chúng sanh. Miệng không dối trá, điêu ngoa, hung dữ làm cho chúng sanh khổ đau mà phải dùng lời từ ái thương yêu ban pháp hỷ lạc cho chúng sanh. Ý luôn quán chiếu thật tướng của các pháp, xa rời hư vọng không bị tham, sân, si dẫn dắt. An trú trong chánh định, mỗi mỗi bước đi, mỗi mỗi lời nói, mỗi mỗi ý niệm đều mang theo tâm hạnh lợi mình lợi người. Hành giả đã hình thành được Phật độ trong nhân gian như hoa sen ở trong bùn mà tỏa ngát hương sắc, đó là TRI KIẾN PHẬT của Hành giả.

Để kết thúc thời pháp hôm nay, xin gởi đến Hành giả 2 bài kinh sau:
Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động không sầu,
Tự tại và vô nhiễm,
Là hạnh phúc tuyệt vời.
             
Trích trong Kinh Hạnh Phúc.

Vạn pháp do tâm tạo,
Khi tâm ta thanh tịnh,
Thì lời nói việc làm,
Đều thấm nhuần an lạc,
Và như bóng theo hình.
An lạc mãi theo ta.
             
Trích trong Kinh Pháp Cú.

Cầu Phật gia hộ quý Hành giả luôn an lạc và tinh tấn sớm KHAI THỊ được TRI KIẾN PHẬT của mình hầu làm lợi ích cho chúng sanh.

BAN HOẰNG PHÁP.


HỒI HƯỚNG
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh, 
Đều trọn thành Phật đạo.

Bài viết liên quan