Tứ Pháp Trụ của Hành giả Pháp hoa (Phần 1)

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam mô Pháp Hoa Chứng Tín thị hiện Đa Bảo Như Lai đồng liên tọa hạ tác đại chứng minh.

Cùng các Hành giả trong Đạo tràng thân thương !.

Hôm nay nhân duyên hội đủ chúng ta gặp nhau trong ngày khóa tu đầu năm, theo yêu cầu của một số Hành giả thì trong năm nay thỉnh Thầy giảng kinh Pháp Hoa. Việc giảng kinh Pháp Hoa cũng là một điều cần thiết để cho các Hành giả hiểu được kinh Pháp Hoa và hành trì đúng tôn chỉ kinh Pháp Hoa. Tuy nhiên để thực hiện công việc đó chúng ta phải có sự chuẩn bị. Nhớ lại khi còn ở Thái Lan Thầy giảng đến phẩm Thí Dụ thứ ba thì không đủ duyên để giảng tiếp và khi trở về Việt Nam vào năm 1998-1999 trong giai đoạn đó cũng khai giảng Kinh Pháp Hoa cho chúng xuất gia ở trong Đạo Tràng, khi giảng đến phẩm Phương Tiện hay Tín Giải thì cũng không đủ duyên giảng tiếp. 

Ngày hôm nay thì thù thắng hơn là chúng hội có tổ các chúng về đây tu học tại chùa. Như vậy là chúng ta cũng có một nhân duyên thật lớn, cho nên Thầy cũng đang có sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị đó phải thích nghi với hoàn cảnh và thời gian. Tuy nhiên hôm nay chúng ta chọn một đề tài nằm trong kinh Pháp Hoa để cho tất cả Hành giả chúng ta có một chỗ đứng trước khi học kinh Pháp Hoa. Nếu chúng ta học kinh Pháp Hoa tuần tự từ phẩm Tựa đến phẩm 28, đó là thuộc về dạng kinh bộ. Khi giảng kinh bộ chúng ta cũng nên lưu ý rằng cố gắng nghe liên tục thì chúng ta mới hiểu. Để triển khai những tư tưởng cho chúng ta từ phẩm Tựa cho đến phẩm thứ 28, cần phải có một sự logic liên tục nên khi giảng kinh Pháp Hoa tức là Hành giả phải phát nguyện để theo dõi tuần tự từng tư tưởng, từng phẩm thì mới có thể hiểu thấu được. 

Nói về ý nghĩa trong kinh Pháp Hoa, nó rất thù thắng, như Ngài Thái Hư Đại Sư, hay Ngài Thiên Thai Trí Giả giảng bộ kinh Pháp Hoa gần cả 10 năm mới xong. Nội cái tên Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Ngài Thiên Thai Trí Giả giảng đến 3 tháng mới xong, thì quý vị thấy rằng nhất cú nhất kệ ở trong Diệu Pháp Liên Hoa kinh chứa đựng những giáo lý rất nhiệm mầu, rất thâm sâu. 

Trở về đề tài hôm nay, Thầy trích một đoạn ở trong phẩm Phổ Hiền Bồ tát Hạnh Nguyện khuyến phát thứ 28, trong đó Ngài Phổ Hiền Bồ tát thưa thỉnh với đức Thế Tôn “Nếu thời sau này một chúng sanh nào muốn được bộ kinh Pháp Hoa tức là muốn làm Hành giả kinh Pháp Hoa hay là muốn đắc được kinh Pháp Hoa thì phải làm như thế nào ? ”. Lúc đó đức Thế Tôn mới dạy rằng “Nếu đời sau hay hiện tại khi đức Phật còn tại thế hay đã nhập diệt, một người mà được kinh Pháp Hoa thì có 4 pháp trụ tức là 4 chỗ đứng mà người đó phải thâm nhập, phải đạt để được kinh Pháp Hoa.” 
Như vậy, Quý vị đang cầm đề tài trên tay đó là TỨ PHÁP TRỤ của Hành giả Pháp Hoa. Đây là chỗ cương yếu mà chúng ta nắm tổng thể để tu trì. Bây giờ chúng ta tuần tự đi từng pháp trụ một.

KHÁI NIỆM:

BỐN PHÁP TRỤ tức là 4 chỗ đứng của Hành giả Pháp Hoa. Một Hành giả mà khi bắt đầu phát nguyện quy y Tam bảo rồi phát nguyện tu tập những điều tất yếu của Hành giả. 

I. PHÁP TRỤ THỨ NHẤT: ĐƯỢC CHƯ PHẬT HỘ NIỆM
Được chư Phật hộ niệm nghĩa là sao ? Tức là chúng ta phải có một chỗ phát nguyện, quý vị phải phát nguyện. Như vừa rồi có 2, 3 Hành giả phát nguyện quy y Tam Bảo đó cũng là chỗ phát nguyện. Đầu tiên là phải có sở nguyện rồi chúng ta phải trọng đạo tức là phải biết khen đạo, phải tán thán cái chơn lý mình đang đi, phải giữ gìn và đồng thời chúng ta cũng hết lòng tin tưởng đạo. Kế tiếp là chúng ta phải phụng hành. Chúng ta quy y rồi, chúng ta có sở nguyện rồi, nguyện đời đời nương Tam bảo, nguyện nương Phật, nương Pháp, nương Tăng để thoát ly sanh tử luân hồi. 

Như vậy, chúng ta thấy rằng vì đạo cao cả cái chỗ khen ngợi không cùng tận nên chúng ta mới nguyện nương theo. Nương theo rồi thì chúng ta phải làm sao? Chúng ta phụng hành tức là chúng ta phải học, phải ứng dụng thực hành. Trong khi phụng hành chúng ta cũng phải đem cái tâm này, cái nhận thức này ra suy xét, khi suy xét tức là văn, tư và tu. Nghe pháp phụng hành chứng nghiệm và tiếp tục văn, tư, tu, rồi tiếp đến khi suy xét rõ ràng thì quý vị phải có định hướng, phải có ý chí định hướng để chúng ta tiến tu. Nếu chúng ta tu mà không có định hướng thì không biết chúng ta đang học pháp gì, không biết chúng ta đang làm gì đây, quý vị phải lưu ý điểm này với Thầy tức là chúng ta không có định hướng, không có nhận thức để tiến tu thì chúng ta phí thời gian một kiếp người. Nhưng mà điều quan trọng trong mỗi suy xét, mỗi định hướng phải hợp với trí tuệ của đức Phật, chứ không phải suy xét với thế trí biện thông hay là sự đối đãi vọng thức mà suy xét so lường. Phát nguyện khen ngợi phụng hành này nó phải hợp với trí tuệ của Phật. Quý vị thấy trí tuệ của Phật là gì ? Tức là phải có giác ngộ, phải có giải thoát. Mục đích đức Phật nói đạo dạy chúng sanh để đem ánh sáng trí tuệ cho chúng sanh nương theo đó mà giác ngộ giải thoát. 

Thầy nhắc lại cái sở nguyện chỗ khen đạo, chỗ phụng hành, chỗ suy lường, suy xét đó với định hướng đó phải hợp với trí tuệ của Phật. Nếu không hợp với trí tuệ của Phật thì chúng ta đi sai con đường. Từ trí tuệ của Phật rồi, mới phát sanh ra công đức của Phật được. Đức Phật thành tựu một thế giới nào đó đều do quá trình phụng hành tất cả pháp lành để mình được viên mãn. Được pháp lành tức là chúng ta thành tựu được quốc độ của Phật. Vị nào được cái tâm như vậy thì được chư Phật hộ niệm. Đó là chỗ chư Phật hộ niệm - tức là luôn luôn chúng ta định hướng đúng trí tuệ của Phật với công hạnh của đức Phật, với công đức của đức Phật thì chúng ta được chư Phật hộ niệm.

Bây giờ trong chúng đây, chúng ta có nhận thấy rằng mình đã phát nguyện tu chưa, có người tu 20 đến 50 năm nhưng không biết là mình tu đến đâu, mình đang đứng ở vị trí nào, phải như vậy không? Ngày qua tháng lại, kinh vẫn tụng, chú vẫn trì, giới vẫn giữ nhưng mà mình không biết mình đang làm cái gì, mình không biết định hướng của mình đi về đâu ? Nếu vậy thì chúng ta khi học pháp trụ rồi chúng ta thấy rằng việc về nương tựa Tam bảo là chúng ta phải có sở nguyện, phải kính trọng đạo, phải có phụng hành, phải có suy xét để giản trạch các pháp chánh-tà, thật-hư và chúng ta có định hướng với mỗi hành động suy xét hợp với đạo lý, hợp với trí tuệ của Phật. 

Ví dụ như có một Phật tử gặp Thầy than rằng : “Thầy ơi! Con khổ quá làm ăn không được, ngày mai con lên bà chúa Sứ cầu xin bà chúa Sứ cho con về làm ăn được”. Như vậy quý vị thấy suy xét đó hợp với đạo lý không? Hợp với trí tuệ của đức Phật không? Lẽ dĩ nhiên điều đó là không hợp với trí tuệ của đức Phật. Nếu chúng ta có tín tâm như vậy thì chúng ta sẽ đi về đâu? Là chỗ sở nguyện đầu tiên của chúng ta đã bị sai và dẫn đến chúng ta không trọng đạo. Khi chúng ta quy y Tam Bảo lời đầu tiên quý vị đã phát nguyện quy y Phật, không quy y thiên thần quỷ vật, nhưng rồi nghe tiếng đồn ông đó bà đó cầu nguyện mua may bán đắc, tiền của ào ào thì chúng ta chạy đến đó cầu xin phải không ? Quý vị đã trả lời “không” là chúng ta đã ý thức suy xét điều đó không hợp với trí tuệ của đức Phật - tức là không hợp với giác ngộ và giải thoát, không có trí tuệ trong vọng cầu tham dục. Ở đâu nếu có vọng cầu, tham dục thì không hợp với trí tuệ của Phật, mà hợp với trí tuệ của Phật thì được đức Phật hộ niệm. Đó là điểm thứ nhất mà Hành giả chúng ta lưu ý.

II. PHÁP TRỤ THỨ HAI: TRỒNG SÂU CỘI CÔNG ĐỨC
Chúng ta hiểu trồng sâu cội công đức là như thế nào? Đem tiền của đi cúng dường thì mình không có, đi làm việc cho người khác thì mình cũng không đủ sức, vậy không trồng sâu cội công đức được à? Nếu hiểu như thế là sai. Bây giờ chúng ta tìm hiểu ý nghĩa đức Phật nói trồng sâu cội công đức là cái gì ?.

Trước tiên chúng ta học giáo lý Đại thừa, tại vì chỉ có giáo pháp của Đại thừa mới phát sanh được công đức. Giáo pháp Đại thừa là giáo pháp vô ngã vị tha, vô ngã vị tha mới sanh được công đức, kế đến chúng ta phải tinh tấn phụng hành, tu tập ba la mật, tức là chúng ta phải tu tập hạnh ba la mật. Hôm trước, chúng ta đã học qua các pháp ba-la-mật của hàng Bồ tát rồi. Ba-la-mật là chúng ta không bị chấp trước vào tâm của chúng sanh. Đó là hạnh nguyện của Bồ tát. Nhờ hạnh nguyện của Bồ tát đó nên tăng trưởng được công đức, nhưng chúng ta phải nắm ý, mỗi mỗi việc làm đều khởi nơi tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác - tức là tất cả các việc làm đó, ý niệm tư tưởng hành động đó phải hồi hướng về quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên, ngày xưa tiền thân của đức Phật, hay những vị thánh nhơn, tất cả những việc làm gì các Ngài đều hồi hướng về quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, chứ không hồi hướng cho chính mình, từ chỗ đó mới phát sanh công đức được. Giờ chúng ta phải làm như thế nào để hợp với pháp trụ thứ hai là TRỒNG SÂU CỘI CÔNG ĐỨC.

Bây giờ, chúng ta lấy một vài thí dụ để thấy rõ cái gọi là ba-la-mật. Hôm trước chúng ta học ba-la-mật là mình bố thì mà không thấy mình bố thí, nó khởi dụng từ tâm từ bi, thấy chúng sanh khổ là thương và bố thí tài, bố thí pháp, bố thí tất cả những điều đó nhưng không thấy mình bố thí thì chỗ đó công đức mới sanh, còn nếu chúng ta làm một điều phước thiện gì mà còn bị vướng mắc trong đó thì chỗ này chúng ta bị kẹt ngay. Ngay cả khi tiến cao hơn nữa chúng ta thấy rằng nếu tu mà chúng ta còn chấp vào mình có tu thì vẫn bị kẹt. Bây giờ, Hành giả phải biết cách trồng sâu công đức tức là phát tâm làm tất cả các hạnh, làm nhưng phải hồi hướng về vô thượng chánh đẳng chánh giác. 

Hôm nay Thầy nói chuyện với quý vị để quý vị thâm nhập được đạo lý mà nếu tạo được chút duyên lành nào thì cũng hồi hướng về con đường vô thượng chánh đẳng chánh giác. Không phải giảng pháp để mình làm Thầy, không phải giảng pháp để mình cầu cạnh một cái gì, mà tất cả những việc làm này đều hồi hướng về quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. 

Cho nên ngày xưa có câu chuyện Bà già mua dầu đốt đèn cúng dường chư Phật. Chỉ có một lạng dầu nhưng bà ta hồi hướng ánh sáng trí tuệ này về quả vô thượng chánh đẳng chánh giác cho nên công đức của Bà rất lớn. Quý vị có nghe câu chuyện này chưa? 

Ngày xưa khi đức Phật còn tại thế vua A Xà Thế sau khi giác ngộ được chân lý và biết trong quá khứ mình đã tạo quá nhiều điều tội lỗi, lòng ăn năn sám hối nên phát tâm mở một Hội hoa đăng – tức là đốt nhang đèn để cúng dường Phật và đại chúng trong 3 tháng để cầu phước. Lúc đó, trong tiểu quốc đó có 1 bà già ăn xin cũng dành dụm được đâu một đồng tiền cắc, gia tài sự nghiệp chỉ có vậy thôi. Một hôm đi qua đường nghe người ta đồn vua mở Hội hoa đăng để cúng dường Phật và đại chúng. Bà nhìn lại mình chẳng có gì cả, Bà thầm nghĩ “thôi bây giờ mình chỉ có 1 đồng tiền mình cũng đi phát tâm cúng dường Phật để tạo duyên lành hồi hướng về quả vô thượng chánh đẳng chánh giác”. 

Khi phát nguyện như vậy rồi bà ta đến người bán dầu và nói bán cho bà 1 đồng tiền dầu nhưng đèn cũng không có chỉ lấy vỏ ốc biển và lấy vải cuốn làm tim chứ bây giờ vô sản rồi không có cái gì cả. Quý vị thấy không, vô sản như vậy mà còn phát tâm cúng dường chư Phật nữa. 

Trở lại câu chuyện, khi đến tiệm bán dầu, người bán dầu hỏi bà cụ mua dầu để làm gì? Bà ta trả lời nhà vua đang mở hội Hoa đăng cúng dường Phật và đại chúng, lão già không có gì ngoài 1 đồng tiền này và xin cũng mua dầu đốt đèn để cúng dường Phật và đại chúng để hồi hướng công đức về quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lúc đó, ông bán dầu rất cảm động, ông nói thôi được rồi bà giữ tiền đi, hôm nay tôi bán cho bà 1 đồng tiền dầu mà tôi không lấy tiền và tôi xin gởi thêm 1 đồng nữa là 2 đồng, bà vào trong đó để đốt cúng dường Phật và đại chúng, bà lão không chịu nhưng ông bán dầu cũng không chịu lấy tiền. Cuối cùng, bà đành giữ 1 đồng tiền lại nhưng được thêm 1 đồng tiền nữa. Khi vào trong đốt đèn thấy nhà vua lập Hội hoa đăng rất long trọng không có chỗ cho bà đứng, vì bà là người ăn xin nghèo nàn, dơ bẩn, ngọn đèn của bà thì không ai để ý đến, bà đốt để một góc bên kia hội. 

Quý vị biết không sau 3 tháng tất cả những hoa đăng của nhà vua cúng Phật đều tàn hết mà ngọn đèn của Bà lão chỉ có mấy đồng tiền dầu lại không tắt, đến khi dẹp hội Hoa đăng đức Phật bảo các vị đệ tử thổi ngọn đèn nhưng nó không tắt. Cuối cùng Ngài Mục Kiền Liên – thần thông đệ nhất thổi cũng không tắt. Lúc đó, đại chúng thưa thỉnh lên đức Thế Tôn ngọn đèn này là nhân duyên gì mà mầu nhiệm như vậy ? Đức Phật mới nói về công đức hồi hướng về quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đức Phật nói ngọn đèn này không phải là ngọn đèn bình thường, ngọn đèn này chứa đựng chứa một cái tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. 

Như vậy, chúng ta thử nghĩ rằng nhà vua cúng dường 3 tháng hội Hoa đăng tiền của biết bao nhiêu nhưng công đức không có, còn bà cụ này cúng dường chỉ mấy đồng tiền thôi nhưng mà hồi hướng về vô thượng chánh đẳng chánh giác công đức không thể nghĩ bàn. 

Sau khi cúng dường xong một thời gian ngắn, bà già chết và đức Phật nói rằng bà đã sanh lên cõi Phạm Thiên. Chúng ta thấy rằng tại sao nhà vua cúng dường như vậy mà không có công đức. Nhà vua cúng dường như vậy mà chỉ cầu làm sao cho ổn định đất nước, cho mình giữ vững ngai vàng được bền lâu, cho gia đình được sức khỏe, cho vợ đẹp con xinh... Như vậy, tiền của cúng dường lớn nhưng tâm lại nhỏ. Cái tâm đó không phải là tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác phải không? Do vậy, công đức không có, có chăng chỉ là phước báu hữu lậu. Còn bà cụ tuy cúng mấy đồng tiền dầu nhưng bà cụ không cầu cho bà khỏe hay bà được có tiền, v.v… mà bà xin hồi hướng công đức này về đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đây là ngọn đèn trí tuệ mà tất cả chúng sanh đều nương đây để hướng về quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lời nguyện đó, tâm hồi hướng đó, chúng ta thấy rộng lớn không? Rất là rộng lớn, từ đó công đức sanh trưởng, tức là vô ngã, còn nhà vua tuy là làm vậy mà bị vướng vào ngã thể, từ ngã nên không có công đức. 

Ở đoạn này chúng ta phải phân biệt rằng, hai phạm trù đức và phước khác nhau, như chúng ta bố thí cúng dường tạo duyên lành, làm điều lành gì đó, đó là phước báu, rồi chúng ta nhận chúng ta xài hết là thôi. Còn công đức thì khác, công đức nó sanh ra từ trong cái tâm thanh tịnh. Cho nên, trong kinh Pháp Bảo Đàn lục tổ Huệ Năng có nói từ tâm này đầy đủ các công đức, khi tâm giác ngộ rồi thì công đức sẽ sanh trưởng và công đức sẽ viên đủ. Như vậy, thì chúng ta thấy rằng khi mà viên mãn đạo lý rồi thì giữa người nhận cúng dường và người cúng thì người nhận đức nhiều hơn nữa. Chẳng hạn như đức Phật, Ngài thọ dụng vật cúng của chúng sanh, nhưng chúng sanh nào được Ngài thọ lãnh thì được tăng phước lành, tại vì Ngài từ trong một pháp giới thanh tịnh, Ngài chứa đựng nhiều lượng công đức, còn mình thì sao ? Mình thì nhiều đối đãi, chỉ sống với vọng thức nên không sanh được công đức mà chỉ tạo được phước lành. Phước lành đó nó sẽ bị mai một, khi chúng ta tạo rồi chúng ta thọ lãnh lại hết rồi thì hết phước lành. Như chuyện vay trả vậy, còn công đức là chỗ thanh tịnh, chỗ vô ngã, quý vị lưu ý điều đó.

Cho nên chúng ta đừng sợ mình nghèo, mình không tu được, mình nghèo mình không thành Phật được. Vấn đề tu để tiến đến giác ngộ là không phân biệt người giàu, người nghèo hay người tài giỏi và người dốt, mà tất cả ở cái tâm hướng về đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác mới sanh trưởng công đức. Ở pháp trụ thứ hai này Hành giả chúng ta mỗi hạnh đều tinh tấn hành ba-la-mật, phát Bồ tát hạnh, mỗi mỗi đều khởi tâm hướng về vô thượng chánh đẳng chánh giác mới mong sanh được công đức vô lượng. Công đức tức đó là TRỒNG SÂU CỘI CÔNG ĐỨC. Như vậy, điều này chúng ta làm được không ? Tất cả chúng ta nếu nhận thức được thì chúng ta sẽ làm được. Có nhiều Hành giả nói rằng “Trồng sâu cội công đức nhưng con không có tiền đi cúng dường bố thí, giúp người này người kia thì làm sao có công đức”.

Bài viết liên quan