Tứ Pháp Trụ của Hành giả Pháp hoa (Phần 2)

Bây giờ, chúng ta hiểu pháp trụ rồi, chúng ta thấy rằng không có tiền chúng ta cũng có thể tạo được công đức, dù cho chúng ta chỉ tĩnh tọa niệm được 10 tràng chuỗi, chúng ta cũng xin hồi hướng về quả vô thượng chánh đẳng chánh giác để sanh trưởng công đức, chúng ta tiến đến pháp trụ thứ ba.

III. PHÁP TRỤ THỨ BA: NHẬP VÀO CHÁNH ĐỊNH
Khi chúng ta đã phát tâm được ở pháp trụ thứ nhất là sở nguyện khen đạo, phụng hành, suy xét hướng về hợp với trí tuệ Phật, và đến giai đoạn thứ hai chúng ta tinh tấn hành pháp Đại thừa Bồ tát hạnh, mỗi mỗi đều hướng về đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bây giờ đến giai đoạn thứ ba là Hành giả phải tu pháp nhất thừa, tức là phải trở về một, tất cả muôn hạnh trở về một, tức là không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta đã bước qua 2 giai đoạn ở trên rồi, giai đoạn này chúng ta không còn nghi ngờ mà chúng ta phải trở về pháp nhất thừa, chỉ có một con đường cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tất cả muôn hạnh, muôn lời nói, muôn ý nghĩ, tất cả chỉ hướng về một gọi là nhất thừa. Các điều lành muôn hạnh đều quy về một chỗ thì mới năng tổng trì nhất tâm thật tướng được. 

Hồi sáng khi nói đến pháp trụ thứ ba là Nhập Chánh Định Tụ thì có Hành giả nào nói vào chánh định là khó lắm Thầy ơi. Thầy mới nói rằng dễ lắm không khó, bây giờ giai đoạn thứ ba chúng ta phải nắm bắt khi mà chúng ta có muôn hạnh lành rồi thì chúng ta quy về một chỗ, chúng ta đã tổng trì được thật tướng nhất chân của pháp thường trụ. Tại vì sao ? Tất cả những hạnh lành, những công đức đó, nó là một nền tảng là chỗ đứng của Hành giả mà khi có được nền tảng và chỗ đứng rồi mới tổng trì được tức chúng ta mới giữ vững được chính mình. Khi mà tổng trì được nhất chân thường trụ rồi, ngàn ma vạn quỷ cũng không chuyển nổi tâm chúng ta, không có cái tác động nào làm lay chuyển chúng ta được, thì cái chỗ không lay động đó là chánh định chứ chúng ta đừng tưởng chúng ta ngồi kiết già trên bồ đoàn đến cái thân này như như bất động, chỗ đó không phải là chánh định, mà khi chúng ta quy tụ các hạnh lành về rồi và chỗ vững chắc không bị tác động nào lay chuyển thì chỗ đó là chánh định. 

Cho nên, ngày xưa có những vị thiền sư khi nghe “Phật tức tâm, tâm tức Phật”. Nghe vậy thôi mà khi có người nói rằng trong tâm không có Phật. Ông nói mặc kệ ai nói gì thì nói, nhưng tôi thì “Phật tức tâm, tâm tức Phật” chỉ có một. Như vậy là có niềm tin kiên cố cái định hướng đó, cái pháp lành qui tụ về đó. Đó là chỗ chánh định của Hành giả, chứ không tìm chỗ nào khác tức là chúng ta quy tụ pháp lành về một chỗ, đứng thật vững chắc, phải có một niềm tin kiên cố thì chỗ đó là chánh định. 

Trong này có vị nào có chánh định không ? Tức là nhập vào trong chánh định là nhập chánh định tụ. Tụ là hội lại, hội các hạnh lành lại và chỗ hạnh lành đó là quốc độ của Bồ tát, nằm ở trong đó thì khi thành tựu rồi thì quý vị thấy ngàn ma vạn quỷ cũng không xoay chuyển nổi và Hành giả được tự tại vô ngại trong vấn đề sanh tử. Như vậy chúng ta bắt đầu bước đến quả vị bất thối địa tức là không còn thối chuyển. Đó là chỗ chánh định. 

Thường thường chúng ta lầm tưởng rằng, chỉ có tu thiền mới đi vào định, chỉ có ngồi thiền mới đi vào định, không phải như vậy. Ngồi thiền là một phương pháp trong các phương pháp vì khi quý vị đã phát tâm ở pháp trụ thứ hai rồi thì tất cả những Bồ tát hạnh, mỗi hạnh, mỗi niệm đều hướng về vô thượng chánh đẳng chánh giác. Như vậy, cái tâm nguyện đó là tâm nguyện gì? Tâm nguyện đó có lớn không? Tâm nguyện đó rất lớn, rồi đến gom tất cả các hạnh lành lại một chỗ nữa, tức chúng ta không còn thối chuyển nữa, tác động nào cũng không xoay chuyển chúng ta được. Như vậy, chúng ta nhập vào tự tại vô ngại và bất thối địa, thì bất thối địa chỗ đó là chỗ trụ chỗ chánh định của hàng Bồ tát. 

Cho nên, chúng ta khách quan nhìn qua sách truyện hay, những tiểu sử của chư vị Bồ tát nhiều cái tác động, nhiều hoàn cảnh bất cứ một hình thức nào cũng không xoay chuyển tâm của quý Ngài được thì chỗ đó có phải chánh định không? Từ chỗ không xoay chuyển được đó là chỗ chánh định, Hành giả chúng ta hôm nay có niềm tin kiên cố tu học chưa ? Vị nào có niềm tin kiên cố, vị đó ở trong chánh định tụ - tức là không còn một con đường nào để tác động. Chúng ta không tách rời khỏi định hướng này mà chúng ta phải có một con đường gọi là niềm tin kiên cố hợp với trí tuệ của đức Phật.

Ở trên chúng ta đã thấy rồi, mỗi lời nói phải suy xét hợp với trí tuệ Phật rồi thì khởi nguồn hạnh giáo hóa chúng sanh mà làm lợi ích để tu tập, đều hướng về vô thượng chánh đẳng chánh giác. Như vậy thì còn gì mà thối chuyển, rõ ràng lắm rồi. 
Và tiếp đến chỗ chúng ta gom các hạnh lại để tổng trì, tổng trì tức là gom lại để nhập vào bất thối địa. Đó là chỗ thứ ba nhập chánh định tụ, tức là vào sâu trong chánh định. Khi chúng ta học tư tưởng kinh Đại thừa, thấy nó cao lắm, có thể là một điều gì mơ hồ. Nếu chúng ta không ứng dụng được Phật pháp, chúng ta cảm thấy mơ hồ mà vị nào đã từng ứng dụng được Phật pháp thì thấy rất là nhiệm mầu, rất là gần gủi với chúng ta.

IV. PHÁP TRỤ THỨ TƯ: PHÁT LÒNG CỨU CHÚNG SANH
Khi chúng ta tâm tự tại đã bước vào bất thối địa, bước vào chánh định rồi thì điều thứ tư chúng ta làm gì đây ? Chúng ta theo dõi tứ giả phát cứu nhất thiết chúng sanh chi tâm, tức là phát lòng cứu tất cả chúng sanh. Khi Hành giả đạt đến chỗ này rồi chúng ta cũng cần nên suy xét mục đích đức Phật ra đời, chỉ có một mục đích là “khai thị ngộ nhập tri kiến Phật cho chúng sanh”. Còn mục đích nào khác không? Không có mục đích nào khác. Chỉ có đức Phật ra đời vì một nhân duyên “khai thị ngộ nhập tri kiến Phật cho chúng sanh”. Chúng ta cũng phải ý thức rằng, giữa đức Phật với chúng sanh đồng một thể tánh, nhưng vì một niệm bất giác của chúng sanh mà phải theo vô minh vọng hoặc rồi trôi lăn trong sanh tử luân hồi, chứ còn bản thể giữa Phật và chúng sanh nó đồng nhất thể, nó ngang nhau, nhưng Phật thì giác ngộ, chúng sanh thì mê hoặc nên chỉ vì vô minh mê hoặc đó mà phải trôi lăn trong sanh tử.

Bây giờ Bồ tát hạnh phải làm gì ? Chúng ta phải làm điều gì ? Chúng ta phải khởi đại bi tâm, khi chúng ta thấy một người nào đó hung dữ, họ làm điều bất chánh chúng ta thương hay ghét. Bây giờ, chúng ta khẳng định chúng ta thương hay ghét, chúng ta phải thương, tại vì ở trên đức Phật đã dạy rồi: “Đức Phật và chúng sanh bản thể đồng nhất, nhưng vì chúng sanh khởi lên niệm vô minh hoặc nghiệp nên phải trôi lăn sanh tử, còn đức Phật thì giác ngộ hoàn toàn nên dừng lại sanh tử thì khi chúng sanh khởi lên niệm bất giác tức chúng sanh đó đang mở cửa đi vào đâu ?”. 

Cho nên chư Tổ dạy: “Một niệm sanh khởi năng tiêu khoảnh công đức chi lâm” mà công đức không còn nữa thì trôi lăn vào đâu? tức là một niệm bất chánh thì cánh cửa ác đạo bắt đầu mở. Khi thấy chúng sanh đi vào ác đạo thì Bồ tát hạnh phải sao? Như là lòng trắc ẩn vì thương chúng sanh thì chúng ta phải làm sao? Là phải khởi đại bi tâm, nhưng khởi đại bi tâm bằng cách nào đây? Như vậy chúng ta phải dùng tất cả các phương tiện để nói pháp, mà nói tất cả để làm gì? Để cứu vớt chúng sanh xa lìa đau khổ. Như vậy phương tiện này nó rất là đa dạng, có thể hình thức này, có thể hình thức khác. 

Cho nên, Thầy thấy trong Đạo tràng chúng ta đây, mỗi người là một vị Bồ tát, ai cũng có cái hạnh đặc biệt. Nếu quý vị ngay trong bản thân mình tu tập kinh điển Đại thừa, tư tưởng Đại thừa mà giáo hóa được một người đó là tâm Bồ tát tăng trưởng, mình có quyền giáo hóa, tại vì mình có cái hạnh đặc biệt riêng mình. Vậy khi mình giáo hóa được một huynh đệ nào đó đưa vào đạo thì tâm Bồ tát bắt đầu tăng trưởng, nhưng mà ngược lại có một người nào đó họ đang tu tập mình làm cho họ thối chuyển thì sao? Mình kiếm chuyện cho họ thối chuyển thì sao? Ngược lại không Bồ tát thì chúng sanh tức là mình phải đi ngược lại. 

Như vậy, trên đường tu học của chúng ta rất rõ ràng. Quý vị về Đạo tràng ở đây tu tập giáo pháp Đại thừa lấy chúng sanh làm đối tác, không phải lấy chính mình, mà quý vị phải lấy chúng sanh làm đối tác. Chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này vì chúng sanh, quý vị phải có một tư tưởng rộng lớn. Như vậy, bây giờ chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này đem khả năng của mình làm lợi ích cho chúng sanh thì đó là Bồ tát. Quý vị đã được TỨ PHÁP TRỤ trong Kinh Pháp Hoa, ai phát nguyện làm được điều đó? 

Như vậy, chúng ta ý thức được rằng Phật và chúng sanh đồng thể, vì chúng sanh vô minh vọng khởi mà trôi lăn trong sanh tử. Là Hành giả Pháp Hoa phải khởi đại bi tâm, ở đây không nói Bồ tát mà nói Hành giả Pháp Hoa phải khởi đại bi tâm. Đức Phật dạy Hành giả Pháp Hoa phải khởi đại bi tâm, đã khởi đại bi tâm thì phải dùng tất cả phương tiện, nói tất cả các pháp nào, diệt tất cả khổ đau, để đưa chúng sanh trở về con đường Phật huệ. Nếu những ý niệm này quý vị không nắm bắt được thì quý vị không hiểu gì cả. Thầy đơn cử trong kinh Pháp Hoa phẩm Quán Thế Âm Bồ tát thứ 25, đức Phật muốn nói điều gì trong đó. Thầy tin chắc rằng chúng ta nhiều người hiểu sai trong đó, y kinh thuyết giảng tam thế Phật oan. Đôi lúc chúng ta nghĩ sai cho Phật, vì vậy chúng ta phải học kinh. Đức Phật nói gì trong phẩm Phổ Môn, đó là một phẩm kinh diệt tất cả những tưởng thức của chúng sanh, tức là tưởng ấm-cái để hình thành vũ trụ nhân sinh. Tất cả những cái đối đãi đều diệt sạch không còn gì cả, mà chúng ta tụng đọc chúng ta cứ nghĩ rằng hiện thân này, thân kia để độ chúng sanh hay cầu con trai, con gái nhưng đó là dùng văn tự để diễn đạt một ý sâu xa chứ không phải như vậy. 

Sở dĩ đem phẩm Phổ Môn làm phẩm tiêu biểu cầu an để diệt những suy lường của chúng sanh bớt đi, chứ không phải tụng kinh Phổ Môn là mình cầu cho được an ổn mà mình phải nói rằng tụng phẩm nào cũng an ổn chứ không phải chỉ có phẩm Phổ Môn. Phải hiểu như vậy, phẩm nào đức Phật cũng đưa vào Phật huệ, chứ không có phẩm nào đức Phật dừng lại ở cõi nhân thiên. Như vậy, tụng phẩm Phổ Môn cũng như phẩm Như Lai thọ lượng, cũng như phẩm Hiện bửu tháp… Nhưng vì phẩm Quán Thế Âm Bồ tát văn tự gần gũi chúng sanh nên chi chúng ta thường hay tụng, chứ thật ra trong kinh phẩm nào cũng đưa về Phật huệ, đưa về chỗ nhất thừa ví như trong phẩm Dược Vương Bổn sự thứ 23, Ngài Dược Vương đốt thân này cúng dường Phật, sau khi đốt thân hiện sắc tướng đẹp hơn. Mở đầu đức Phật muốn phá cái thân uẩn, Dược Vương đốt thân để thành tựu pháp thân, đốt báo thân để thành tựu pháp thân. Đốt ở đây mình cứ nghĩ rằng đốt lửa, đem lửa đến châm để đốt, thật ra không phải như vậy, đốt là đoạn tất ngay cái uẩn của thân để thành tựu được pháp thân. 

Như vậy, chúng ta thấy tư tưởng Đại thừa thật là cao sâu. Bởi vậy, ngày xưa khi mà học vào kinh điển Đại thừa, Thầy thấy rằng đức Phật nói sao mà trên trời dưới đất, không hiểu cái gì cả. Nhưng càng ngày càng ứng dụng thực hành trong cuộc sống, càng tu tập mình thấy càng sáng lên và mình hiểu với kinh điển Đại thừa thật tuyệt vời. Thầy nhắc lại pháp trụ thứ tư, Hành giả phải biết rằng: “mục đích đức Phật ra đời để làm điều gì ? Đó là khai thị ngộ nhập tri kiến Phật cho chúng sanh” và chúng ta phải ý thức rằng Phật và chúng sanh tánh đồng nhất nhưng vì chúng sanh bị vô minh vọng hoặc nên trôi lăn trong sanh tử. Hành giả Pháp Hoa trở về tâm hạnh Bồ tát thì phải khởi đại bi tâm, khởi đại bi tâm không phải dừng ngay đó, mà khởi đại bi tâm phải ứng dụng phương tiện. Ứng dụng phương tiện để nói tất cả các pháp, để độ tất cả khổ đau cho chúng sanh. 

Như vậy, ai phát nguyện được không ? Bây giờ chúng ta được bao nhiêu người phát nguyện để làm Bồ tát hạnh. Nếu quý vị phát nguyện làm Bồ tát hạnh được thì Thầy sẽ mở pháp hội giảng kinh Pháp Hoa mà quý vị chưa phát nguyện làm Bồ tát hạnh được, chúng ta nghe kinh Pháp Hoa sẽ không hiểu, như nước chảy lá môn.

Bài viết liên quan