Kế đến Hành giả cũng nên nhận thức rằng tuy nói tất cả các pháp, độ tất cả các khổ nhưng không có một pháp gì để nói, cũng không có một khổ nào để độ. Nói tất cả các pháp, độ tất cả các khổ của chúng sanh nhưng phải tâm niệm rằng không có pháp gì để nói mà cũng không có chúng sanh khổ não để độ và phát tâm cũng như không phát tâm mà không phải không phát tâm. Chỗ này là chỗ mà chúng ta đứng, chúng ta không bị pháp trói buộc, độ chúng sanh mà không thấy chúng sanh để độ và cứu khổ chúng sanh cũng không thấy rằng mình cứu khổ chúng sanh. Chỗ này là chỗ trụ của Bồ tát.
Cho nên trong kinh Pháp Bảo Đàn có một câu tuyệt vời mà Phật tử hầu như nhiều người biết khi Tổ Huệ Năng giác ngộ câu nào ? Đó là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là nên trụ tâm vào chỗ không trụ. Quý vị thấy tuyệt vời không ? Trụ cái tâm vào chỗ không trụ, nếu chúng ta còn trụ là còn vướng mắc, không trụ là không vướng mắc, nhờ không vướng mắc thì công đức chúng ta mới tăng trưởng, còn chúng ta vướng mắc thì sao ? Thì không tăng trưởng, vì công đức vốn nó đồng thể với tự tánh.
Ở đây, nhận thức đạo lý cao, chúng ta phải hiểu rằng. Lúc nảy Thầy nói phát lên tất cả các hạnh rồi phải đưa chúng sanh, phải độ chúng sanh, phải ý thức là bản hạnh của đức Phật phải làm tất cả những gì đức Phật làm, phải thương yêu, độ khổ chúng sanh. Nhưng mà bây giờ Thầy nói rằng độ mà không có gì để độ, phát tâm mà chẳng nghĩ rằng mình phát tâm, mà cũng không phải không phát tâm và cũng chẳng phải chẳng phát tâm thì quý vị thấy sao? Đó là kinh Pháp Hoa, tư tưởng kinh Pháp Hoa. Trong kinh đức Phật cũng đã nói rõ rằng:
“Chư pháp tùng bổng lai,
Thường tự tịch diệt tướng”
Các pháp xưa nay tướng nó thường vắng lặng. Như như đã thường vắng lặng rồi, Bồ tát đến đây thì không có chúng sanh để độ, mà cũng không có nguyện để độ chúng sanh, tức đã tách rời khỏi pháp giới tánh mà độ chúng sanh. Cái phương tiện này từ đâu để có, tức là khởi dụng từ tự tánh thanh tịnh, mà đã khởi dụng thì nó không dính mắc.
Chẳng hạn như có Phật tử A, B, C gì đó có tâm trạng khổ đau rồi có một Hành giả nghĩ giờ làm sao để chia sẻ với chị ấy, thấy chị ấy khổ tội nghiệp quá, bây giờ phải làm sao? Phải nghĩ cách để chia sẻ phải không? Chia sẻ với Phật tử A, Phật tử B đó… thì khi nghĩ cách chia sẻ đó là dụng. Như vậy, dụng khởi từ tâm đại bi, khi thấy 1 người nào khổ mình chấp nhận tất cả những cái gì có thể ảnh hưởng đến mình. Mình cứu họ, giúp họ, mình chia sẻ với họ để họ bớt đau khổ, mà khi quý vị làm điều đó không nghĩ mình làm, công mình làm. Khi quý vị nghĩ mà làm điều đó thì ở tâm nào? tức là từ lòng từ bi. Đó là phương tiện để bước vào tâm hạnh của chư Phật.
Ở đoạn này Hành giả phải thấu suốt tánh, thể, tướng, dụng dung thông các pháp không ngăn ngại thì chúng ta mới giáo hóa chúng sanh được. Nếu chúng ta còn ngăn ngại thì chúng ta đừng nói chuyện giáo hóa chúng sanh. Như vậy Hành giả đã làm được điều thứ tư.
Bốn điều này thì khi đức Phật còn hiện tiền, hay đức Phật nhập diệt rồi chúng ta cũng được kinh Pháp Hoa. Cốt tủy kinh Pháp Hoa là chỗ đó. Bây giờ Hành giả Pháp Hoa chúng ta có muốn được kinh Pháp Hoa không ?
(Phật tử trả lời) Thưa Thầy, muốn.
Vậy, thì chúng ta đã nắm bắt được đạo lý rồi. Bây giờ chia sẻ trên ý niệm, thật ra thì khi chúng ta đủ duyên lành làm được thân người, rồi chúng ta gặp được Phật pháp, chúng ta tiến tu mà còn một điều chúng ta không khởi nguyện lớn được, tại vì chúng ta bị chi phối bởi hoàn cảnh, vì chồng, vì vợ, vì con, vì cháu, vì danh, vì vọng,… ràng buộc đủ thứ nên không dám mạnh dạn đưa tay con phát nguyện hành trì Tứ Pháp Trụ. Không dám nhưng tất cả chúng ta ai cũng phải làm. Nếu chúng ta phát nguyện rằng tiến thẳng về con đường cầu đạo Bồ đề, tất nhiên chúng ta phải nắm rõ điều này. Điều này không phân biệt pháp môn thiền, tịnh, hiển, mật, viên, đốn…
Cho nên nhiều người quan niệm rằng: “mình đi tu pháp môn khác có thể là mình chứng đắc cao hơn, mau hơn, lẹ hơn, chỉ ngồi mấy tiếng đồng hồ là mình thấy trời mây, trăng nước”. Ý niệm này là sai con đường Bồ tát hạnh, con đường đức Phật đã đi qua mà chúng ta không đi theo con đường của đức Phật thì đi theo ai đây ? Quý vị tưởng tượng rằng chúng ta không đi theo đức Phật thì đi theo ai? Đại chúng ai là người phát nguyện đi theo con đường của đức Phật? Bây giờ tất cả chúng ta phải phát nguyện đi theo con đường của đức Phật, thế nhưng xét về tâm hạnh của đức Phật, trí tuệ của đức Phật, chúng ta có ai đi theo con đường của đức Phật chưa? Chúng ta không đi theo con đường của đức Phật thì chúng ta đi theo con đường của ai? Để dành câu hỏi cho quý vị tự trả lời.
Hôm nay, chúng ta đã nắm bắt qua Bốn chỗ đứng của Hành giả Pháp Hoa gọi là TỨ PHÁP TRỤ trích trong phẩm Phổ Hiền Bồ tát nguyện hạnh vấn hỏi tu tập như thế nào để Hành giả thâm nhập kinh Pháp Hoa tức phải qua 4 pháp trụ này. Bộ kinh Pháp Hoa nói là tối thượng thừa là ở điểm này. Quý vị thấy trong các kinh tạng đức Phật nói không có kinh nào đức Phật thọ ký, mà chỉ khi bước vào pháp hội Pháp Hoa đức Phật mới thọ ký cho thành Phật. Kinh Hoa Nghiêm tư tưởng rất là lớn, nhưng trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật không thọ ký cho ai cả, không thọ ký cho một chúng sanh nào thành Phật cả. Trong kinh Niết Bàn cũng vậy, không có thọ ký, nhưng đến kinh Pháp Hoa đức Phật mới thọ ký, thì ở đây chúng ta suy xét một chút là chúng ta phải qua những tư tưởng đạo lý trong kinh Pháp Hoa rồi mới thành tựu được Phật thân, chứ không còn con đường nào khác.
Bởi vậy, chư Tổ ngày xưa, hay những vị cao Tăng hiện đại, những người nào có tư tưởng lớn để phụng sự chúng sanh thì vị đó phải nắm cương lĩnh kinh Pháp Hoa, không còn bộ kinh nào khác, không còn tâm hạnh, tư tưởng nào ngoài bộ kinh Pháp Hoa để chúng ta thành tựu đạo quả, nên Hành giả phải biết đây là điều rất quan trọng.
Vậy thì hôm nay, Thầy giới thiệu một phần nhỏ trong kinh Pháp Hoa cũng là đặt chỗ đứng cho các Hành giả chúng ta cố gắng về suy nghĩ những lời hôm nay Thầy nhắc như thế nào, để trong 4 chỗ đứng này chúng ta cũng được một chỗ. Thầy nhắc lại toàn bộ buổi nói chuyện hôm nay:
Thứ nhất là phải có sở nguyện, khi chúng ta học đạo rồi phải kính trọng đạo, rồi phải phụng đạo tức là phải thực hành đạo, rồi phải có chỗ suy xét mà có định hướng tu tập tất cả mọi cái đều hợp với trí tuệ của chư Phật thì đó là chỗ đứng đầu tiên của Hành giả. Chúng ta xét thấy pháp trụ thứ nhất rất nhiều người được vào.
Đến pháp trụ thứ hai là chúng ta phải tu từ tư tưởng của đức Phật – tức là phải biết con đường vô ngã vị tha, phải tinh tấn hành trì ba la mật, phát tâm hạnh Bồ tát và mỗi mỗi hạnh đều khởi tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác - tức là cầu đạo vô thượng. Cho nên, chúng ta thấy rằng làm một việc mà cái tâm hướng về điều khác thì cái quả nó thành khác.
Thầy đơn cử một Phật tử đến chùa để cúng dường Thầy 100.000, rồi nói : “Thầy ơi! Thầy nhận 100.000 con cúng dường, Thầy làm sao cầu nguyện cho gia đình con bớt khổ” Thầy mới nói “con không cúng Thầy cũng cầu nguyện cho con hết khổ rồi chứ không phải chờ con cúng tiền Thầy mới cầu nguyện cho gia đình con hết khổ”. Như vậy, với 100.000 nếu mình đặt tư tưởng như vậy hợp đạo lý không? Không, quý vị nói không hợp đạo lý thì chúng ta phải suy xét để mà định hướng hợp trí tuệ của đức Phật. Nhưng nếu đem 100.000 này cúng dường cho Thầy, và nói chỉ có một điều “con cúng dường Thầy để Thầy lo việc Tam bảo, con cầu nguyện cho Phật pháp trường tồn, chúng sanh không còn đau khổ và công đức này hồi hướng về đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác” thì có ý nghĩa không? Rất là rộng lớn.
Câu chuyện hồi nảy Bà già cúng đèn, nhà vua vì cầu những cái về sở hữu cá nhân nên không có công đức, mà Bà già đó tuy rằng tiền của cúng dường chút xíu nhưng mà bà hướng về tâm vô thượng nên cái quả rất lớn. Như vậy, để suy xét việc làm của mình có hợp với đạo lý, hợp với trí tuệ Phật. Đó là hồi hướng công đức về quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Cho nên nói đây là nói chuyện với quý vị là người trong nhà, người trong Đạo tràng. Vị nào mà cúng dường đưa tiền cho Thầy mà nói Thầy nhận tiền này để cầu nguyện cho con được cái này cái kia, thôi thì thầy buồn quá. Nhận tiền mà tự nhiên nó buồn quá, nhận tiền kiểu này chắc không dám nhận. Tại vì biết sao không? Thầy cầu nguyện không được, rõ ràng điều đó không cầu nguyện được cho quý vị, nên chư Hành giả chúng ta khi mà cúng dường Tam Bảo thì chúng ta phải nói như thế nào? Chúng ta phải hồi hướng về đạo vô thượng chánh giác, đó là hợp với tôn chỉ mà chúng ta đang tu học phải không ?
Bữa nay Thầy đang bệnh mình cầu mình không xong, thấy không ? Đang bệnh bao tử nó loét, cầu không có xong. Nhưng mà có cách là phải làm cho tâm mình được an, ý niệm không chi phối, chúng ta trụ lại cái pháp trụ này thì hóa giải được mọi vấn đề, bệnh tật sẽ tiêu trừ và tư tưởng sẽ lành mạnh. Người có năng lực cao hơn nữa, mình phải đứng lại không chạy theo những gì mà nó tác động làm cho chúng ta phải vọng thức, phải khổ đau. Đó là điều thứ hai, tất cả việc làm hạnh Bồ Tát là phải hướng về đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Điều thứ ba, chúng ta phải hành pháp nhất thừa, tức là tất cả hướng về một chỗ. Chỗ đó là chỗ để khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, chứ không còn chỗ nào khác, các điều lành muôn hạnh điều quy về một chỗ gọi là tổng trì, để chúng ta có một chổ đứng vững chắc, một công đức sâu dày, để chúng ta nhận được cái chơn tâm thường trụ. Thế thì chúng ta đang bước vào cái vị trí thứ ba là nhập trụ. Không có ma quỷ, không có một cái tác động mà làm cho chúng ta thối chuyển. Chúng ta tự tại nhập vào bất thối chuyển địa tức là không còn thối chuyển.
Điều thứ tư kế tiếp chúng ta phải biết rằng mục đích đức Phật ra đời chỉ vì khai thị ngộ nhập tri kiến Phật cho chúng sanh. Ngoài mục đích đó Đức Phật không có mục đích khác. Chúng ta đang đi theo con đường của Đức Phật thì chúng ta phải làm sao cho chúng sanh cũng được khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, thì chúng ta phải làm sao ? Chúng ta phải khởi dụng và nói tất cả những pháp gì, làm tất cả những điều gì để diệt khổ cho tất cả chúng sanh. Đưa chúng sanh quy hướng về một chỗ, tiến lên tâm vô thượng thì chỗ đó là cứu nhất thiết chúng sanh, nhưng mà quý vị lưu ý rằng, chúng ta làm nhưng không làm, không làm nhưng mà chúng ta làm, là tách rời những ý niệm tự ngã mà chúng ta phải đứng ở cái phạm trù khác tức là vô ngã vị tha.
Như vậy vhúng ta đã rõ, bốn con đường, bốn pháp trụ, bốn chỗ đứng của Hành giả Pháp Hoa. Chính người tại gia hay xuất gia cũng đều ứng dụng hành trì. Không riêng gì Phật tử mà Thầy cũng đang phát nguyện và đã làm, đang làm và sẽ làm. Bây giờ trong này nếu có vị nào cũng phát nguyện làm tức là thế giới đồng cư với Thầy.
Lời của Thầy đến đây chấm nhứt, thời gian còn lại để dành cho các Hành giả có điều gì thắc mắc về đạo lý hay có những kiến giải nào hợp với đạo lý mà chúng ta ghi nhận được thì cùng chia sẻ với huynh đệ trong Đạo tràng.
BAN HOẰNG PHÁP
Chùa Vạn Thông