PHẦN GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA CÁC HÀNH GIẢ
Hành giả Đồng Giáo thưa hỏi:
Nam Mô A Di Đà Phật ! Kính bạch Thầy, kính thưa đại chúng, con có thắc một câu hỏi này, con xin Thầy giải đáp cho con. Thí dụ có một Hành giả hay một phật tử nào, người ta thấy rõ được bản chất của cuộc đời là vô thường như bọt bóng ánh nắng, như mây trôi, như nước chảy, nó không thường bền thì người đó phát tâm tu. nhưng mà vì khi tu cũng có thấy rõ mình và cuộc đời như vậy thì cũng tinh tấn và có được chút sở ngộ, nhưng mà ngưới ấy vì quá tự mãn nghĩ mình đã được một cái gì đó, thì người ấy sẽ lọt vào cái lý nhị nguyên thì cái lý nhị nguyên đó thật sự con không hiểu. Xin Thầy giảng giải ra cho con và đại chúng nghe, để chúng con hiểu được, chúng con tu mà không đi sai đường.
Thầy giải đáp:
A Di Đà Phật! Đây là một câu hỏi thật là hay mà thường chúng ta bị vướng mắc vào cái lỗi đó rất nhiều. Đó gọi là cái bệnh, cái bệnh của người tu. Trong kinh Pháp Hoa, Thầy nhớ lại có một đoạn mà Phật quở trách chư vị A La Hán rằng: “Nếu người đó cho là A La Hán mà không tin nhận không thọ trì kinh Pháp Hoa thì không phải A La Hán”.
Bây giờ đời này nhiều người hiểu được chút đạo rồi tự mãn, cho rằng mình đạt được, không cần phải tu trì, khỏi cần gì cả. Nếu ý nghĩ đó xét sâu về mặt đạo lý, người đó sai hoàn toàn. Tại sao vậy ? Ngay Đức Phật khi ở thế gian độ chúng sanh, Ngài không ngừng bỏ công phu và giáo hóa thuyết pháp. Đức Phật tĩnh tọa, đi dạy chúng không ngừng nghỉ thì chỗ đó mới là người đã đi vào trong tự tại, mình làm mà không bị trói buộc chỗ đó là chơn tự tại, còn mình không làm chưa phải là chỗ tự tại, phải không ? Cái tự tại ở trong đạo Phật là có cái chơn không diệu hữu. Chơn không có nghĩa là vạn hạnh môn trung, bất xã nhất pháp. Thực tế lý địa bất nhiễm nhất trần, tức là nói về đạo lý thì không nhiễm một pháp nào, còn nói về hạnh thì vạn hạnh môn trung bất xã nhất pháp – tức là hạnh gì cũng phải làm, đó là chỗ thâm sâu của đạo lý.
Còn bây giờ mình không làm gì hết thì không phải là chỗ thâm sâu của đạo lý. Cho nên đức Phật quở hàng nhị thừa, nếu đã nói rằng A La Hán thì phải tiến đến Phật quả mà Phật quả thì phải khởi nguyện độ chúng sanh, chứ không thể dừng tại đó được mà tự mãn. Thầy nhắc lại là “Thực tế là lý địa bất nhiễm nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xã nhất pháp”. Nói về cái lý thì không nhiễm bất cứ một trần, mà nói hạnh thì không bỏ một việc nào cả. Đó là chỗ duy nhất thông được đạo lý và chỗ thành tựu Phật quả. Nếu ngoài con đường đó thì không còn con đường nào khác.
Hôm nay, Thầy ngồi đây để nói chuyện với quý vị đó cũng khởi từ lòng đại bi. Thầy muốn rằng mình tu mọi người cũng được tu, và thấy mình tìm được cái pháp lạc, muốn đem cái pháp lạc này chia sẻ cho mọi người hiểu biết. Về phần Thầy đây, có những Phật tử thân cận, nếu mà Thầy không có chỗ đứng ở đạo lý thì Thầy không có ngày hôm nay. Tất cả những tác động hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh bản thân, hoàn cảnh con người đưa đến, thật là căng thẳng nhưng nhờ Thầy có chỗ đứng, chỗ đứng đó hợp với trí tuệ của Phật, cho nên không bị những tác động khác làm cho mình thối chuyển. Vậy mới thành tựu được ngày hôm nay, từ chỗ đó muốn chia sẻ cùng các Hành giả, mới tổ chức những khóa tu để hướng dẫn Phật tử tu học và chúng ta cùng nhau chia sẻ tìm một chỗ đứng để tiến tu trên cuộc đời này. Còn nếu không, sáng giờ Thầy nằm đọc sách, đưa võng thấy thoải mái hơn không ? Tại vì Thầy không cần cái gì cả. Có làm chùa, có đúc tượng, đó là cho chúng sanh. Bản thân Thầy không có cà phê, không thuốc lá, không một cái gì cả. Sáng ăn cơm, ăn cháo, trưa ăn rau ăn cải gì đó không đáng là bao nhiêu cả, nhưng dấn thân vào sự nghiệp cho Phật pháp trường tồn vì sự nghiệp để mà chia sẻ đạo lý với chúng sanh cùng tiến lên con đường giải thoát giác ngộ, nên làm việc gặp cản trở nhưng vẫn vui không thấy cực khổ, trăn trở như người đời.
Như vậy, nhắc lại ý hỏi của Đồng Giáo người đó sai và chúng ta phải ghi nhận như thế này để trả lời với họ “Kinh dạy về cái lý gì không nhiễm bất cứ một trần, tức là ý niệm về danh vọng lục dục, thất trần… không nhiễm bất cứ một niệm nào, nhưng về cái hạnh là vạn hạnh muôn trung, bất xã nhất pháp – tức việc làm thì không có việc nào không làm”. Đó là chỗ đứng đạo lý, còn nói bây giờ tôi là Phật tử, tôi quy y rồi, tôi hiểu cuộc đời vô thường rồi, không sợ gì cả ung dung tự tại, đó là cái gì ?. Cái không mà không ngơ, chứ không phải cái không mà có cái có, cái không ngơ tức không có định hướng, không có lập hạnh thì không biết cái đó đi về đâu ?. Cái không của đạo lý là cái “không” nắm bắt tất cả các hạnh mà không vướng mắc các hạnh, thì chỗ đó là cái không “chơn không”. Mình nên trả lời họ như vậy.
Hành giả Đồng Hành thưa hỏi Thầy:
Mô Phật thưa Thầy có những bài chú như: chú Phổ Hiền, Phật Mẫu Chuẩn đề, chú Đại bi, con cùng thường tụng nhưng không rõ ý nghĩa chú Đại Bi, Phổ Hiền.
Thầy giải đáp:
Đồng Hành hỏi Thầy giải ý nghĩa chú, chắc Thầy không giải được. Chú là bí chú của chư Phật, nhưng mà chúng ta biết rằng người có hành trì chú thì có chư thần hộ niệm. Cho nên, khi trì chú Phổ Hiền, Ngài Phổ Hiền sẽ gia hộ cho Hành giả. Đó là thủ hộ Hành giả. Bởi tu bên mật tông chúng ta phải hiểu như thế này chúng ta nắm tổng trì lúc nào đi, đứng, nằm, ngồi chúng ta đều nhất niệm trì đó là cái chỗ tổng trì của mật chú. Bây giờ nói Thầy giải chú Chuẩn Đề, chú Đại Bi Thầy giải không được, không ai giải được mà giải được thì không gọi là mật chú, giải rồi thì không còn là chú nữa, giải rồi thì không còn mầu nhiệm, nên không ai giải thần chú cả, nhưng biết thần chú đó công năng rất diệu dụng. Phật nói thì chỉ có Phật lý giải được.
Buổi thuyết giảng ngưng tại đây, Thầy cầu chúc quý Hành giả luôn an lạc, tinh tấn. Nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ cho quý vị ngày càng tiến tu trên con đường đạo.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
BAN HOẰNG PHÁP
HỒI HƯỚNG
Nguyện đem công đức này.
Hướng về khắp tất cả.
Đệ tử và chúng sanh,
Đều trọn thành Phật đạo.