Tứ Thánh Quả

Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát.
Bài này viết lại lời giảng của Thầy vào khóa tu đầu năm Bính Tuất - 2006. Xét thấy những lời Thầy dạy thật là quý giá nhưng nghe qua một lần thì không thể hiểu được, không thể nhớ hết được.

Nay Hành giả Diệu Trí xin chép lại qua băng ghi âm và Hành giả Diệu Diễm trong Ban tu thư đánh máy in ra xin gởi tặng các Hành giả để làm tài liệu tu học.

Vì ghi lại văn nói của Thầy nên có chỗ lặp lại, nhằm để làm rõ nghĩa, xin giữ nguyên. Mong rằng quý Hành giả nắm ý quên lời.

TỨ THÁNH QUẢ

- Tu đà hoàn                - A na hàm
- Tư đà hàm                 - A La Hán

Tứ thánh quả là 4 quả vị của Hành giả trong quá trình tu tập đạt được, danh từ Phật học gọi là chứng đạo. Con đường chứng đạo từ khởi điểm tu tập đến khi chứng đắc phải trãi qua một quá trình nhất định thanh tịnh hóa thân tâm, nhưng nó không phụ thuộc vào thời gian và pháp môn tu trì. Pháp môn hành trì nó chỉ là phương tiện để thích nghi từng căn cơ chúng sanh, chúng ta phải hiểu rõ rằng pháp môn tu trì không phải là chứng đạo. Chứng đạo là do chúng ta nương vào pháp môn để kiến đạo và chứng đạo.

Hành giả phát tâm tu trì bất luận là pháp môn nào đi nữa (thiền, tịnh, hiển, mật …), nhưng phải bắt đầu tu từ nhận thức thông qua thật tướng của các pháp, không lệ thuộc vào khái niệm, ngôn ngữ, văn tự mà phải ứng dụng chân lý biểu hiện trong đời sống thực tại. Nếu một chúng sanh căn tánh bình thường thì nên lấy phương pháp nhận thức Tứ Thánh Đế để làm đối tượng nhận thức, danh từ Phật học gọi là “Tứ Đế hiện quán”, ở đây Hành giả bắt đầu quán thứ tự tứ đế của 3 cõi – trước quán khổ đế của cõi dục, sanh được pháp “pháp trí nhẫn”, “pháp trí”, kế đến quán khổ của cõi sắc và vô sắc sanh được “lọai nhẫn trí”, “lọai trí” cho đến 3 đế còn lại tập, diệt, đạo cũng đều sanh tứ trí và “trí lọai” cho nên hiện quán Tứ đế cộng chung thành 16 trí tuệ được trình bày như sau:

1 - Khổ pháp trí nhẫn: (tin không nghi ngờ) Quán khổ đế cõi dục, đọan trừ kiến hoặc khổ đế mê lầm (có 4 điều chính: khổ, không, vô thường, vô ngã).
2 - Khổ pháp trí: Quán khổ đế của cõi dục, ấn chứng lý khổ đế.
3 - Tập pháp trí nhẫn: Quán tập đế của cõi dục, đoạn trừ kiến hoặc của tập đế mê lầm. (tất cả tâm pháp, sắc pháp và 3 tánh thiện ác vô ký).
4 - Tập pháp trí: Quán tập đế của cõi dục, ấn chứng lý tập đế. 
5 - Diệt pháp trí nhẫn: Dùng trí vô lậu quán diệt đế của cõi dục. Đoạn trừ kiến hoặc của diệt đế mê lầm.
6 - Diệt pháp trí: Quán diệt đế của cõi dục, ấn chứng diệt đế.
7 - Đạo pháp trí nhẫn: Quán đạo đế của cõi dục, đoạn trừ kiến hoặc của đạo đế mê lầm.
8 - Đạo pháp trí: Quán đạo đế của cõi dục, ấn chứng lý đạo đế.
9 - Khổ loại trí nhẫn: Quán khổ đế của 2 cõi sắc và vô sắc, đoạn trừ kiến hoặc đối với khổ đế.
10 - Khổ loại trí: Quán khổ đế của 2 cõi trên, ấn chứng lý khổ đế.
11 - Tập loại trí nhẫn: Quán tập đế của 2 cõi sắc và vô sắc đoạn tri kiến hoặc đối với tập đế.
12 - Tập loại trí: Quán tập đế của 2 cõi trên, ấn chứng được lý tập đế.
13 - Diệt loại trí nhẫn: Quán diệt đế của 2 cõi sắc và vô sắc. Đoạn trừ kiến hoặc đối với diệt đế.
14 - Diệt loại trí: Quán diệt đế 2 cõi trên, ấn chứng lý diệt đế.
15 - Đạo loại trí nhẫn: Quán đạo đế của 2 cõi sắc và vô sắc, đoạn trừ kiến hoặc của đạo đế.
16 - Đạo loại trí: Quán đạo đế của 2 cõi trên, ấn chứng lý đạo đế.

Tóm lại, một cách khác chúng ta có thể khái quát về Tứ thánh đế cụ thể hơn là:

+ QUẢ VỊ TU ĐÀ HOÀN: Phạn ngữ Srotappana, dịch nghĩa là thất lai hay dự lưu. Người tu tập đoạn được 3 kiết sử thì chứng được quả vị Tu đà hoàn. Đây là quả vị chứng đạo đầu tiên nên gọi là nhập lưu, tức là bước vào dòng nước của Thánh nhơn. Vì chỉ mới đoạn được 3 kiết sử, còn nghiệp hoặc nhiều nên phải lên xuống cõi người để tiếp tục tu tập 7 lần nữa mới chứng thánh quả A la hán được, nên gọi là thất lai. (7 lần trở lại).
Ba kiết sử mà quả vị Tu đà hoàn đã đoạn được là:
1. Đoạn dứt chấp ngã, chấp nhơn.
2. Đoạn tận nghi ngờ đối với chánh pháp, đối với khả năng của mình, đối với sự chứng đạo.
3. Đoạn tâm tham mê về mê tín, tế lễ thần linh.

Người đoạn được 3 kiết sử này, tức chứng quả vị Tu đà hoàn.

+ QUẢ VỊ TƯ ĐÀ HÀM: Phạn ngữ là Sakrdagramin, nghĩa là nhất lai. Hành giả đoạn được 3 kiết sử ở quả Tu đà hoàn rồi, khởi tu đoạn được thêm giới thủ kiết thì chứng được Tư đà hàm quả, nhưng hoặc nghiệp chưa đoạn được nên còn phải ra đời một kiếp nữa, tiếp tục đoạn hoặc nghiệp mới đắc A la hán quả.

+ A NA HÀM: Phạn ngữ Anagamin, còn gọi là bất lai tức khi chứng A Na hàm Hành giả không còn sanh lại thế gian nữa, khi xã báo thân này sanh lên cõi trời thứ 19 (Quãng quả thiên- cõi trời cao nhất trong tứ thiền thiên). Khi Hành giả tu tập đoạn được các chướng hoặc ở 2 quả vị trước, Hành giả tiến lên đoạn thêm 2 kiết sử là không còn tham muốn lạc thú ở nhân thiên cõi dục giới–không còn sân hận thì Hành giả chứng được quả A Na hàm.

+ A LA HÁN: Phạn ngữ Arahat, nghĩa là Vô sanh tức là không còn sanh tử. Quả vị A La Hán là quả vị cao nhất trong Tứ quả Thanh Văn, không còn phải sanh tử luân hồi nữa. Ngoài những hoặc nghiệp kiết sử của 3 quả vị trước, Hành giả đoạn thêm 5 kiết sử nữa tức đắc A La Hán. 5 kiết sử đó là:
1. Không ham thích dục lạc của Trời người.
2. Không màng đến lạc thú của cõi sắc và vô sắc.
3. Dứt sạch lòng kiêu mạn.
4. Dứt sạch tâm bối rối và xao động.
5. Dứt sạch vô minh, trí tuệ hoàn toàn hiển lộ sáng suốt, nghĩa là đến quả vị A la Hán thì kiến hoặc, tư hoặc đã đoạn sạch, ngã chấp, pháp chấp cũng không còn.

Ở trên chúng ta đã khái niệm về con đường bước vào thánh quả mà chư Phật trong mười phương  đã tu tập để thoát ly sanh tử viên thành quả vị Vô thượng Bồ đề.

Vậy chúng ta nhờ duyên lành quá khứ, đời nay gặp được chánh pháp, chúng ta còn do dự chần chờ gì nữa. Hãy phát nguyện tu trì, mau mau bước theo con đường của chư Phật, chư Bồ tát, chư hiền Thánh Tăng, để giải thoát sanh tử cho chính mình và hóa độ chúng sanh.

Nguyện cầu tam bảo gia hộ cho Đại chúng an lạc và tinh tấn.

BAN HOẰNG PHÁP.

Bài viết liên quan